📞

Thủ tướng Ấn Độ cam kết gì với Tổng thống Ukraine?

Hồng Phúc 00:02 | 21/05/2023
Các nhà phân tích cho biết, giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Ấn Độ có thể là động lực chính thúc đẩy Tổng thống Ukraine tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5. (Nguồn: Twitter)

Chiều 20/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Modi đảm bảo với nhà lãnh đạo Ukraine rằng New Delhi sẽ nỗ lực để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.

Nhấn mạnh “xung đột tại Ukraine có nhiều tác động khác nhau trên toàn thế giới" và là "một vấn đề của nhân loại", ông Modi cam kết, "Ấn Độ và tôi, với tư cách cá nhân, sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tìm ra giải pháp" nhằm chấm dứt xung đột.

Sau đó, chia sẻ trên Twitter về cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định, New Delhi ủng hộ đối thoại và ngoại giao để tìm giải pháp cho xung đột tại Ukraine, đồng thời "tiếp tục mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine”.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cho biết đã mời Ấn Độ tham gia công thức hòa bình của Kiev và hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhu cầu của Ukraine về rà phá bom mìn và bệnh viện dã chiến.

Đây là cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Volodymyr Zelensky kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Twitter)

Đến nay, Ấn Độ vẫn duy trì lập trường trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Mặc dù New Delhi đã gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine nhưng không tham gia bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Moscow. Trong bối cảnh phương Tây nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga thì Ấn Độ tiếp tục mua dầu Nga với mức chiết khấu hấp dẫn.

Tại cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan vào tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Modi đã trao đổi về sự cần thiết phải “tiến tới con đường hòa bình”.

Vào thời điểm đó, có ý kiến cho rằng đây được coi là dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn từ New Delhi khi cuộc xung đột kéo dài.

Nhưng nhiều tháng sau đó, nhà lãnh đạo Ấn Độ dường như cam kết đi theo một đường lối thận trọng, không lên án rõ ràng Điện Kremlin hay kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.

Hơn một năm qua, bản thân Thủ tướng Modi đã nhiều lần nói chuyện điện thoại với Zelensky, gần đây nhất là vào tháng 12, khi nhà lãnh đạo Ấn Độ nhắc lại lời kêu gọi “chấm dứt chiến sự” và “đối thoại” để giải quyết xung đột.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Modi và ông Zelensky kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Các nhà phân tích cho biết, giành được sự ủng hộ hoặc thấu hiểu từ các nhà lãnh đạo như ông Modi có thể là động lực chính thúc đẩy nhà lãnh đạo Ukraine bất ngờ tới Hiroshima, Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7.