Thủ tướng Australia bảo vệ quyết định hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp. (nguồn: AP) |
Phát biểu sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York ngày 21/9, ông Morrison cho biết, Canberra đã nói rõ trong vài tháng nay rằng, trong bối cảnh đã thay đổi hiện nay, năng lực của tàu ngầm thông thường phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng.
Thủ tướng Australia nói rõ: "Nếu chúng tôi không hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp, người dân Australia sẽ thất vọng và chúng tôi phải chọn con đường tốt hơn để có được năng lực ưu việt hơn".
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, việc chấm dứt hợp đồng đóng tàu với Pháp không phải là một điều dễ dàng nhưng Australia sẽ tuân thủ đúng các điều khoản của hợp đồng.
Mặc dù Canberra không tiết lộ khoản bồi thường cho việc hủy bỏ hợp đồng, nhưng nhiều nguồn tin cho biết, khoản bồi thường sẽ vào khoảng hơn 2 tỷ AUD (1,5 tỷ USD).
Thủ tướng Morrison cũng khẳng định, Australia chưa tham gia bất kỳ thỏa thuận cung cấp nào cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và sẽ đàm phán các thỏa thuận đó trong 12-18 tháng tới.
Ông nói, đây không phải là vấn đề được Mỹ nêu ra với Australia, mà Australia hành động vì lợi ích quốc gia để đảm bảo an ninh quốc gia trong khu vực.
Theo đài ABC, thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Australia có thể bao gồm việc cho phép tàu ngầm của các quốc gia trong liên minh hoạt động trong vùng biển của nhau và chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, vật lý lượng tử.
Trong khi đó, ngày 21/9, ABC dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Pháp Herve Grandjean cho biết, trong cùng ngày Australia công bố thỏa thuận với Mỹ, Anh và quyết định hủy hợp đồng với Pháp, họ đã nhận được một bức thư chính thức từ Bộ Quốc phòng Australia đề cập hợp đồng với Paris, "cho biết rằng họ hài lòng với sự tiến triển của dự án và với hiệu suất của tàu ngầm".
Theo ông Grandjean: "Điều này có nghĩa là chúng tôi có thể khởi động giai đoạn phát triển tàu ngầm tiếp theo. Chúng tôi rất bất ngờ trước tuyên bố của AUKUS vì nó hoàn toàn không phù hợp với công văn chúng tôi đã nhận được. Vì vậy, chúng tôi cho rằng mình đã bị lừa dối".
Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt chỉ trích từ Pháp sau quyết định của Australia vào hôm 16/9 về việc rút khỏi hợp đồng mua 12 tàu ngầm do Pháp chế tạo để tham gia một thỏa thuận an ninh mới với Mỹ và Anh, cung cấp cho Canberra tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ngay sau vụ việc trên, Pháp đã triệu hồi các Đại sứ tại Australia và Mỹ về nước để tham vấn.