Nhỏ Bình thường Lớn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đến thủ đô Ankara, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ

Tối 28/11 theo giờ địa phương (rạng sáng 29/11 giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Esenboga của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28-30/11.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đến thủ đô Ankara bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đến thủ đô Ankara, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đón Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân tại sân bay, phía Thổ Nhĩ Kỳ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Burak Akçapar, Phó Thống đốc Ankara Sait Atalay, Phó Thị trưởng Ankara, Tư lệnh quân đội và Cục trưởng Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Cemil Miroğlu.

Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải và Phu nhân cùng một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lần này đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một vị Thủ tướng Chính phủ ta tới Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Chuyến thăm không chỉ khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ của Đảng, Nhà nước ta, mà còn tạo dựng những nền tảng cơ sở, có tính định hướng cho những bước phát triển tiếp theo.

Trong 45 năm qua, có thể nói quan hệ hai nước đã có nhiều thành tích nổi bật, phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Về đối ngoại, hai nước giữ quan hệ gần gũi, duy trì các chuyến thăm, làm việc các cấp với tần suất ngày một cao hơn. Sau khi hai quốc gia nâng tầm quan hệ và mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau, các chuyến thăm cấp bộ trưởng, các cuộc họp ủy ban kinh tế hỗn hợp liên quan đến các lĩnh vực hợp tác hai bên được tổ chức. Các trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng đạt được nhiều bước tiến.

Nhân dân hai nước ngày càng quan tâm đến nhau nhiều hơn, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ trong những thời khắc khó khăn. Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua giai đoạn đại dịch Covid-19, hay hai đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam tới giúp đỡ khắc phục thảm họa động đất tháng 2/2023 là những minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần “tương thân tương ái” giữa hai nước.

Về kinh tế, năm 2017 đã đánh dấu mốc lịch sử trong trao đổi thương mại, khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong số các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Malaysia. Đại dịch Covid đã tác động không nhỏ tới thương mại song phương, năm 2021 chỉ đạt 1,6 tỷ USD, năm 2022 kim ngạch thương mại có dấu hiệu hồi phục, đạt hơn 2 tỷ USD.

Quan trọng hơn, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ xem nhau là đối tác kinh tế quan trọng, tin cậy, nhiều tiềm năng, và là cửa ngõ để tiếp cận với thị trường khu vực xung quanh. Trong năm 2019 và 2022, Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt công bố “Sáng kiến châu Á mới” và “Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở xa”, trong đó đều đề cập tới ASEAN và Việt Nam là đối tác tiềm năng. Với Việt Nam, đề án phát triển quan hệ Việt Nam và khu vực Trung Đông – Châu Phi luôn đặt Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí có tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế tới khu vực.

Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải cho biết, ông tin tưởng quan hệ Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những sự thay đổi về chất trong thời gian tới. Đánh giá về tiềm năng hợp tác, ông khẳng định "Nhiều nội dung hợp tác mới đang được mở rộng, được hai bên trao đổi thường xuyên ở nhiều cấp, trong đó bao gồm hợp tác về an ninh quốc phòng.

Với nhiều dư địa phát triển, hợp tác kinh tế thương mại được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc. Nếu tận dụng tốt, Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chạm tới khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng. Đầu tư cũng là yếu tố tôi rất kỳ vọng. Với thế mạnh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch và công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ, tôi mong hai nước có thể tăng cường trao đổi, có các dự án chung đạt hiệu quả cao.

Hợp tác về văn hóa, du lịch có rất nhiều tiềm năng. Hai nước đều có lịch sử văn hóa hào hùng, những địa điểm, di tích lịch sử quan trọng hay thiên nhiên hùng vĩ. Thông qua các hoạt động du lịch, người dân hai nước có thể hiểu thêm về đất nước, văn hóa, con người của nhau, cũng như tăng cường hợp tác du lịch, trải nghiệm lẫn nhau".

Dự kiến, trong hai ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có gần 20 hoạt động liên tiếp, bên cạnh việc gặp gỡ lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là việc tiếp xúc, dự diễn đàn doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư.

Sáng 29/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat, sau đó đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Tổng thống Mustafa Kemal Ataturk.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ diễn ra vào 10h cùng ngày, tại Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc hội đàm giữa hai đoàn, lãnh đạo hai bên sẽ cùng chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến có cuộc gặp hẹp với Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz và Gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan; gặp Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus; tiếp lãnh đạo Tập đoàn Hayat Holding.

Dự kiến, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tối cùng ngày, theo giờ địa phương. Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 200 người, sống rải rác ở các tỉnh, thành khác nhau.

Ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có lịch trình tiếp và làm việc với nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chương trình, ông sẽ tiếp Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek; tiếp Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Fatih Kacir.

Sau khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp Lãnh đạo Tập đoàn IC Holding và thăm Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ; tham quan Bảo tàng Anatolian.

Kết thúc lịch trình tại đây vào chiều 30/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ rời Thủ đô Ankara để lên đường tới Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự COP28

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự COP28

Chiều ngày 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ...

Ngoại giao bữa tối của Mỹ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP 28

Ngoại giao bữa tối của Mỹ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP 28

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry tổ chức tiệc tối với sự tham gia của nhiều nhân vật quan ...

Hội nghị COP28: Bàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại chính quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới - cơ hội phá bỏ điều 'cấm kỵ'?

Hội nghị COP28: Bàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại chính quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới - cơ hội phá bỏ điều 'cấm kỵ'?

Năm 2023 thế giới không ngừng phá các kỷ lục về khí hậu, các quốc gia dễ bị tổn thương gặp hết thiên tai này ...

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Tại COP28 Việt Nam sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với BĐKH

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Tại COP28 Việt Nam sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với BĐKH

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn báo chí về đoàn Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân tham dự COP28, ...

Chống biến đổi khí hậu: Chậm nhưng chắc

Chống biến đổi khí hậu: Chậm nhưng chắc

Tiến trình thực hiện các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu vẫn còn chậm, song đã đạt được một số kết quả thực ...