📞

Thủ tướng dự WEF Davos 2024, thăm chính thức Hungary và Romania: Xây dựng niềm tin, thăm người bạn cũ

Hai Nhất 08:00 | 13/01/2024
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2024, chuyến công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo hiệu một năm hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến ký kết MOU Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 tại WEF Thiên Tân, ngày 26/6/2023. (Nguồn: VGP)

Nhận lời mời của Nhà sáng lập, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên WEF lần thứ 54 từ ngày 15-19/1 tại Davos, Thụy Sỹ.

Nỗ lực định hướng tương lai

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhận định, với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, WEF 2024 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.

Tại Hội nghị, Thủ tướng có các bài phát biểu quan trọng, đưa ra ý tưởng, tư duy chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân trong giai đoạn quan trọng hiện nay, góp phần vào thành công của Hội nghị. Thủ tướng sẽ chia sẻ tầm nhìn của đất nước tại các phiên đối thoại và thảo luận của Hội nghị gồm phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu của WEF về chủ đề “Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”, phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” và phiên thảo luận với một số Lãnh đạo ASEAN về “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN”.

Người đứng đầu Chính phủ sẽ tham dự phiên làm việc của các nhà lãnh đạo thế giới về “Khôi phục niềm tin vào hệ thống toàn cầu” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ phát biểu tại một số cuộc tọa đàm quan trọng về thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn, về kinh nghiệm và mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế với sự tham gia của các tập đoàn tài chính hàng đầu Thụy Sỹ. Các chủ đề nêu trên đều là những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị, nhận được nhiều sự quan tâm của các nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đồng thời thuộc các lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Cũng tại WEF 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các buổi tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức quốc tế để trao đổi sâu thêm về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, chia sẻ về chính sách và và kinh nghiệm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, việc tham dự WEF Davos 2024 là cơ hội để Việt Nam trực tiếp truyền tải tới lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế, công ty đa quốc gia về cam kết mạnh mẽ và giải pháp của Việt Nam về thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó bao gồm tiến trình tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện cam kết tại COP26 - đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là dịp quan trọng để Việt Nam phát huy vai trò là một đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu và nỗ lực định hướng tương lai thông qua việc đưa ra ý tưởng, tư duy chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trong giai đoạn quan trọng này, góp phần vào thành công của Hội nghị WEF Davos 2024.

Sự tham gia, đóng góp của Thủ tướng tại WEF Davos 2024 cho thấy, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác với WEF, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Với các thành tựu đã đạt được, môi trường kinh doanh và đầu tư cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được WEF, lãnh đạo của các doanh nghiệp toàn cầu, các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong phát triển kinh doanh và hợp tác.

Khơi dây tiềm năng Việt Nam-Hungary

Từ ngày 19-21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Hungary, một trong những người bạn hơn bảy thập kỷ của Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo cho biết, đây là chuyến thăm chính thức Hungary sau 15 năm của Thủ tướng Việt Nam. Đây cũng là hội đàm cấp Thủ tướng đầu tiên kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2018 và Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị khách cấp cao đầu tiên Thủ tướng nước chủ nhà Viktor Orban tiếp đón chính thức trong năm 2024.

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, bất ổn địa chính trị và mặc dù xa cách về địa lý, chuyến thăm nhằm khẳng định sự coi trọng mối quan hệ Việt Nam-Hungary, nước Trung Đông Âu duy nhất có quan hệ Đối tác toàn diện với ta, củng cố tin cậy chính trị, duy trì tiếp xúc cấp cao, trao đổi các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị - ngoại giao, tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như kinh tế - thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường, văn hóa - du lịch… Đồng thời, chuyến thăm sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, lao động, công nghệ - thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Hai Thủ tướng sẽ trao đổi các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU, ASEAN-EU trong bối cảnh Hungary sẽ là Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu sáu tháng cuối năm 2024, cho thấy Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho Hungary vào thị trường ASEAN, mong muốn Hungary làm cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường khu vực. Chuyến thăm là cột mốc quan trọng nằm trong tổng thể chủ trương của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra về độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, và thể hiện sự coi trọng các nước bạn bè truyền thống của Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo cho biết, trong chuyến thăm, hai Thủ tướng sẽ chứng kiến lẽ ký kết các văn kiện hợp tác trong một số lĩnh vực như ngoại giao, văn hóa, quản lý nước, hợp tác giữa các trường đại học hai nước… Thủ tướng còn tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hungary, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường kết nối hợp tác kinh tế, đầu tư; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hungary. Thủ tướng sẽ đến thăm doanh nghiệp Hungary, phát biểu tại trường Đại học Hành chính công quốc gia Hungary, gửi đi thông điệp chính trị mạnh mẽ, khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp vì hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới.

Về thương mại hai chiều, Đại sứ cho biết đây là một trong những điểm sáng trong quan hệ hai nước, đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng, từ 354 triệu USD trong năm 2017, đến 2022 đã tăng lên trên 1,2 tỷ USD. Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu các nước Đông Nam Á xuất khẩu sang Hungary. Đại sứ tin tưởng, với sự quan tâm sát sao của lãnh đạo cấp cao và nội dung làm việc thực chất, hiệu quả, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo ra những phát triển mới thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng ổn định, bền vững, đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Tạo cú hích mới với Romania

Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, trở lại đất nước Romania tươi đẹp, nơi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam từng học tập, nghiên cứu và công tác, hẳn chuyến thăm sẽ mang lại cho ông những cảm xúc đặc biệt.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Romania Đỗ Đức Thành, chuyến thăm khẳng định Việt Nam tiếp tục coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, được dày công xây dựng và vun đắp từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 74 năm trước.

Với sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu dành cho nhau, trong những năm qua, mối quan hệ ấy tiếp tục được thể hiện tại các diễn đàn quốc tế, trong việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong sơ tán công dân Việt Nam khỏi xung đột tại Ukraine cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại Romania.

Chuyến thăm Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính khơi dậy những tiềm năng còn chưa được khai thác, tạo “cú hích” cho mối quan hệ thực chất giữa hai nước, vì lợi ích của mỗi bên, bắt lại đà phát triển sau một thời gian trầm lắng do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình phức tạp tại khu vực, trên thế giới cũng như khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Đó là sự kỳ vọng, niềm tin không chỉ của cá nhân Đại sứ, mà rất nhiều bạn bè Romania yêu mến Việt Nam và bạn bè Việt Nam yêu mến Romania đặt vào chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ, Đại sứ Đỗ Đức Thành khẳng định.

Đại sứ cho biết, trong chuyến thăm, Thủ tướng sẽ trao đổi với các nhà Lãnh đạo Romania về các biện pháp để tiếp tục phát huy, thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong các dư địa còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Romania, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, chứng kiến lễ ký kết một loạt văn kiện hợp tác, thăm các cơ sở kinh tế, trường học, viện nghiên cứu, gặp gỡ một số bạn bè Romania và cộng đồng người Việt...

Tiếp nối thành công, kết quả đã đạt được từ hàng loạt các chuyến thăm song phương, tham dự diễn đàn quốc tế của người đứng đầu Chính phủ trong năm 2023, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả hơn với các đối tác WEF và những người bạn tình nghĩa lâu năm Hungary và Romania.