📞

Thủ tướng Đức: EU cần bảo vệ các giá trị và lợi ích khi quan hệ với Trung Quốc

Thế Việt 08:57 | 01/12/2020
TGVN. Ngày 30/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, châu Âu cần phải bảo vệ các giá trị của mình khi quan hệ với Trung Quốc. Do quy mô dân số và tầm quan trọng của nền kinh tế quốc gia châu Á, Liên minh châu Âu (EU) sẽ luôn phải có sự cân bằng giữa các giá trị và lợi ích.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, EU sẽ luôn phải có sự cân bằng giữa các giá trị và lợi ích khi quan hệ với Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Tuyên bố trên được Thủ tướng Merkel đưa ra tại một cuộc họp trực tuyến với các nhà lập pháp châu Âu.

Thủ tướng Merkel nêu rõ: “Chúng ta phải xác định các lợi ích riêng của châu Âu, bởi yêu cầu này cũng bao hàm nền tảng chung với Trung Quốc về chính sách đối ngoại, chính sách kinh tế, chính sách kỹ thuật số và nhiều hơn nữa. Thách thức trong những năm tới liên quan tới Trung Quốc nằm ở việc tìm kiếm sự cân bằng hợp lý giữa đấu tranh vì các giá trị của chúng ta và các lợi ích của chúng ta”.

Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên mức mong đợi của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đang làm phức tạp thêm những nỗ lực của Chính phủ Đức nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại và giảm bớt phụ thuộc vào siêu cường đang lên tại châu Á.

Cùng ngày, liên quan đến việc Trung Quốc vừa ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với một số nước châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Merkel đã cảnh báo về sức ép cạnh tranh gia tăng đối với Đức do thỏa thuận này.

Phát biểu tại hội nghị kinh tế do báo Nam Đức (SZ) tổ chức, ba Merkel nhấn mạnh, việc dỡ bỏ các rào cản thương mại vào thời điểm khó khăn hiện nay là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, Chủ tịch Viện nghiên cứu Ifo Clemens Fuest yêu cầu châu Âu cần có những sáng kiến về chính sách thương mại để ứng phó với RCEP.

Theo ông, thỏa thuận này có thể được coi là "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với Mỹ và châu Âu, đồng thời đặt ra nhu cầu nối lại đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Washington và Brussels.

Chủ tịch Ifo cho rằng, châu Âu nên đề nghị ông Joe Biden - người được truyền thông đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 - lập tức nối lại đàm phán thương mại.

(theo Reuters)