Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: DPA) |
Một trọng tâm của chuyến thăm sẽ là thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ, điều mà Thủ tướng Scholz từng đề cập trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023.
Đây là mục tiêu không đơn giản bởi dù đàm phán đã khởi động năm ngoái, hai bên vẫn còn một số khác biệt liên quan tới cắt giảm thuế quan, sở hữu trí tuệ và lao động.
Ấn Độ với quy mô dân số khoảng 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, là đối tác hết sức quan trọng của Đức tại châu Á. Mặc dù vậy, trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm 2022, Ấn Độ chỉ xếp thứ 22 về xuất khẩu và thứ 24 về nhập khẩu.
Kim ngạch thương mại song phương Đức-Ấn đạt khoảng 30 tỷ Euro. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn hợp tác của cả hai bên.
Hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp Đức đang làm ăn tại Ấn Độ. Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc thảo luận với đại diện doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ tới thăm "thành trì công nghệ cao" của Ấn Độ ở Bangalore, miền Nam đất nước.
Ấn Độ đang giữ cương vị chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại New Delhi vào tháng 9 tới, trong đó chủ đề khí hậu và các ngành công nghiệp xanh sẽ là một phần quan trọng của các cuộc đàm phán.
Giống như EU và Mỹ, Ấn Độ đang tích cực đầu tư cho các công nghệ mới, trong đó có công nghệ năng lượng Mặt Trời, hydro xanh và xe điện. Đây đều là các lĩnh vực mà nền kinh tế Đức hết sức quan tâm.