📞

Thủ tướng gặp mặt cán bộ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam

20:10 | 29/09/2017
Chiều 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt đoàn cán bộ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và 30 người cao tuổi tiêu biểu của TP. Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 và Tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2017.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi ân cần nhất tới người cao tuổi trong cả nước nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi. “Người cao tuổi quan trọng với non sông, đất nước, quan trọng với từng gia đình. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, người cao tuổi luôn đóng góp lớn, là trụ cột trong từng gia đình, đóng góp xây dựng thế hệ trẻ. Nhiều cụ tiếp tục suy nghĩ về khoa học công nghệ, lao động sản xuất trực tiếp, tham gia các phong trào ở địa phương”, Thủ tướng bày tỏ. “Có việc gì cũng hỏi người lớn, người cao tuổi. Văn hóa kính già yêu trẻ, tôn sư trọng đạo của Việt Nam khác với một số dân tộc trên thế giới. Truyền thống đó chúng ta giữ gìn mãi”.

Thủ tướng thăm hỏi các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt.

Cho biết Chính phủ đã có nhiều hoạt động, nhiều chính sách, nhiều quy định để đưa Luật Người cao tuổi Việt Nam vào cuộc sống, Thủ tướng bày tỏ, đến nay, hệ thống Hội Người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương đã hoạt động rất nhịp nhàng, sôi nổi. Các cuộc vận động hiện nay của người cao tuổi rất thiết thực, hiệu quả. “Buổi sáng, đi làm sớm, tôi thấy các ông, các bà đi tập nhảy, vui vẻ lắm”.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, có các chính sách phúc lợi, chính sách phát huy hơn nữa những kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi. “Tôi ví dụ, ngoài nghiên cứu trợ cấp xã hội, thì chúng ta đặt vấn đề trại dưỡng lão. Trước đây nhiều ý kiến rất phản đối vì cho rằng con cái bất hiếu, không chăm sóc các cụ nhưng bây giờ có cụ thích cuộc sống độc lập, con cháu bận rộn, thứ 7, Chủ nhật đi thăm các cụ, có nơi chăm sóc là rất quan trọng. Vấn đề này cần được thảo luận”, Thủ tướng cho biết. “Hay tôi nói chuyện bác sĩ gia đình, một xu hướng của thế giới, để các cụ có người theo dõi chăm sóc sức khỏe ở xã, ở phường. Có cụ được đo huyết áp, cụ thì tim mạch để biết chi tiết từng bệnh. Nếu mình dự phòng tốt, phát hiện sớm thì mọi bệnh tật có thể giải quyết được. Hay bệnh viện lão khoa, hiện nay hệ thống còn ít, cần quan tâm cái này”.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm những người đối xử không tốt với người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi; lên án hành vi không tốt đối với người cao tuổi.

“Chúng tôi rất quan tâm ý kiến các cụ nói là phải có phúc lợi cho người cao tuổi. Phải có chỗ tập, có sân, có câu lạc bộ… để người cao tuổi có điều kiện hoạt động”, Thủ tướng nói và cam kết Chính phủ tuy bận rộn nhưng có vấn đề cần thiết đối với người cao tuổi, nhất là thể chế, chính sách pháp luật hay những trường hợp cụ thể, thì luôn lắng nghe, quan tâm xử lý.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Hội đã tập hợp được hơn 8,6 triệu hội viên và 100% xã, phường, thị trấn đều có tổ chức hội cơ sở, với trên 100.000 chi hội và 250.000 tổ hội.

Cả nước có trên 1,24 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng bản, Ban Công tác Mặt trận, tổ hòa giải, khuyến học, bảo vệ an ninh, tự quản. Có hơn 67 % người cao tuổi vẫn tham gia lao động sản xuất để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, phụ giúp con cháu. Có hơn 350.000 người cao tuổi được tôn vinh danh hiệu làm kinh tế giỏi, hơn 100.000 người cao tuổi đang làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thu nhập cho con cháu và cho nhiều lao động cộng đồng.

Thủ tướng và các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt.

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, trong tổng số trên 10 triệu người cao tuổi, số người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội hằng tháng gần 1,6 triệu người; còn khoảng trên 30% chưa có chế độ bảo trợ xã hội hoặc trợ cấp khác, phần đông ở nhà sinh sống phụ thuộc con cháu, rất cần sự quan tâm của Nhà nước và xã hội.

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi, đến nay vẫn còn một số chính sách với người cao tuổi chưa được các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện như “Ưu đãi về vốn tín dụng đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo”; giảm giá vé, giá dịch vụ khi người cao tuổi sử dụng một số dịch vụ giao thông công cộng; tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh…

Bà Phạm Thị Hải Chuyền kiến nghị, hơn 5 triệu người cao tuổi còn sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm cần được Chính phủ quan tâm tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách để người cao tuổi được tham gia Chương trình Khởi nghiệp quốc gia.

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038 nước ta có 20% dân số là người cao tuổi (khoảng 20 triệu người), Hội kiến nghị Chính phủ cần có chủ trương hoặc định chế gắn với vấn đề già hóa dân số cho phù hợp.

Hiện nay, mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi, song một số chính sách còn chưa cụ thể nên chưa tạo động lực để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi.