Nhỏ Bình thường Lớn

Thủ tướng Iceland từ chức vì vụ “Hồ sơ Panama”

“Hồ sơ Panama” tiết lộ rằng Thủ tướng Iceland đã sử dụng một công ty "bình phong" để che giấu các khoản đầu tư trị giá hàng triệu bảng Anh.
thu tuong iceland tu chuc vi vu ho so panama
Những người biểu tình tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội Iceland đòi Thủ tướng Gunnlaugsson từ chức. (Nguồn: AFP)

Từ ngày 4/4, hàng ngàn người dân địa phương đã bao vây Quốc hội Iceland để đòi Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức. Nhiều người khẳng định rằng chính trị gia này đã đánh mất niềm tin của công chúng sau khi bị cáo buộc rằng ông cùng vợ sở hữu một công ty liên quan đến bê bối "Hồ sơ Panama". Các đảng đối lập đã yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng. Ban đầu ông Gunnlaugsson khẳng định không làm điều gì sai trái sau vụ tiết lộ, nhưng có tin ông đã quyết định từ chức vào chiều 5/4 trong bối cảnh sức ép đang gia tăng.

“Thủ tướng thông báo trong cuộc họp thành viên đảng Tiến bộ rằng ông sẽ từ chức và tôi sẽ là người thay thế”, ông Sigurdur Ingi Johannsson - phó lãnh đạo đảng Tiến bộ, Bộ trưởng Nông nghiệp Iceland - cho biết trong một chương trình truyền hình trực tiếp.

Dù vậy, việc ông Gunnlaugsson chính thức rời ghế Thủ tướng phải được đảng Độc lập (một trong hai đảng của liên minh cầm quyền Iceland) và Tổng thống Olafur Ragnar Grimmson cùng thông qua.

Cùng ngày, ông Gunnlaugsson đề nghị Tổng thống Grimmson giải tán Quốc hội nhưng đã bị từ chối. Tổng thống Iceland nói ông cần tham vấn hội đồng thành viên cấp cao Chính phủ trước khi ra quyết định. “Hồ sơ Panama” (Panama Papers) bao gồm số lượng dữ liệu khổng lồ nêu đích danh các cá nhân liên quan đến công ty luật Mossack Fonseca (có trụ sở tại Panama) chuyên tạo dựng các công ty “ma” với mục đích trốn thuế.

Ông Gunnlaugsson là một trong hàng chục lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo trên toàn thế giới bị nêu danh trong các tài liệu kể trên. Không hề có ám chỉ nào rằng ông đã hành động bất hợp pháp khi can dự vào kế hoạch đó, song những người chỉ trích nói rằng việc này là một sự xung đột lợi ích.

Các tài liệu cho thấy trong khi ông Gunnlaugsson giám sát các cuộc thương lượng với các chủ nợ của các ngân hàng Iceland, công ty của ông đã kiếm lợi đáng kể từ việc các ngân hàng này bị phá sản.

Quang Chinh (tổng hợp)