Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa. |
Là tỉnh có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh, trong 3 năm qua, ngành du lịch Thanh Hóa tăng trưởng khoảng 13% năm.
Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh đón gần 2,6 triệu lượt khách, tăng 14,5%.
Cũng trong 4 tháng, Thanh Hóa đã huy động 18.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tỉnh hiện có một số khu, điểm du lịch bảo đảm quy mô, tiêu chuẩn và giá trị di tích theo Luật Du lịch, nhưng chưa có trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Tỉnh kiến nghị bổ sung Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Vườn quốc gia Bến En vào danh mục các khu du lịch quốc gia; Khu di tích lịch sử Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương, Khu du lịch biển Hải Tiến, Hải Hòa vào danh mục điểm du lịch quốc gia trong Quy hoạch nêu trên.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Lam Sơn-Sao Vàng và TP. Sầm Sơn. Tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng Trạm quan trắc tự động khí thải, nước thải cho Khu kinh tế Nghi Sơn, đồng thời bổ sung vào mạng điểm quốc gia về quan trắc chất lượng nước ven bờ tại 6 huyện ven biển.
Ghi nhận kết quả đạt được của Thanh Hóa trong phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh lớn, đông dân này. Trong đó, thu ngân sách, một biểu hiện của chất lượng tăng trưởng, đạt vượt mức (năm 2016 thu 12.300 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2017, thu đạt 26% dự toán).
Thủ tướng đánh giá cao Thanh Hóa trong quá trình chuyển mình đã quan tâm đến công tác quy hoạch để phát triển bền vững.
“Các đồng chí có định hướng đạt mục tiêu 3 nhất, hạ tầng thiết yếu phục vụ các dự án đầu tư của doanh nghiệp đồng bộ nhất, chi phí thuê đất và lao động cạnh tranh nhất. Hôm qua, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và chi phí doanh nghiệp là vấn đề lớn hiện nay, mà các đồng chí làm được cái này thì đáng được hoan nghênh. Hay là giải quyết các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất”, Thủ tướng nói và hoan nghênh hướng đi gần đây của Thanh Hóa là tập trung phát triển mạnh mẽ du lịch dịch vụ.
Thủ tướng đề nghị Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược phát triển toàn diện, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các thế mạnh để gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư, không có những dự án lớn thì khó có thể thành công.
Tỉnh cần rà lại việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2017 để làm sao đạt kết quả cao nhất, đóng góp vào kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng mong muốn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu không ngừng, trở thành tỉnh khá giả ở miền Bắc, là một tỉnh kiểu mẫu như lời dạy của Bác Hồ.
Ghi nhận 13 kiến nghị của Thanh Hóa nêu tại cuộc làm việc, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng xem xét cụ thể, trình Thủ tướng quyết định.