Thủ tướng cho rằng, ngành cao su Việt Nam có truyền thống lâu đời, là một trong những ngành hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, có đóng góp, hy sinh xương máu cho cách mạng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
“Tôi đã đi thăm nhiều cơ sở, các công ty thuộc Tập đoàn từ nhà máy MDF Quảng Trị đến các nông trường, công ty cao su ở Tây Bắc, miền Trung, miền Nam, rất thấu hiểu hoàn cảnh, diễn biến của Tập đoàn qua các thời kỳ”, Thủ tướng chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn, nhất là trong thời kỳ giá cao su rớt mạnh nhưng vẫn cố gắng, quyết tâm giữ vững Tập đoàn, vượt khó đi lên.
Với 88.000 người lao động, với diện tích 415.000 ha, Tập đoàn có những bước phát triển tốt. Năm 2017, Tập đoàn có lợi nhuận sau thuế là 3.600 tỷ đồng. Đời sống công nhân ổn định với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Với những đóng góp tích cực của ngành cao su vào sự phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tăng cường quản trị, đổi mới quản lý, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu với tinh thần phải minh bạch, công khai, bảo đảm không thất thoát vốn nhà nước.
Tập đoàn phải đi sâu vào công nghiệp chế biến để có giá trị gia tăng cao hơn với lộ trình, bước đi tính toán chặt chẽ. Quan tâm chăm lo cuộc sống cho công nhân, nhất là lao động nữ, trong đó tạo lập thiết chế văn hóa cho công nhân. Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo Công đoàn Cao su Việt Nam làm một số khu cho công nhân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. “Nếu công nhân cao su Việt Nam có thiết chế văn hóa ở một số lĩnh vực như nhà trẻ, nhà ở, nhà văn hóa, căng tin thì rất đáng quý, cần quan tâm”, Thủ tướng nói.
Trên tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Cao su cũng như các tập đoàn khác phải có chương trình hành động thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, đóng góp vào thành tích chung của đất nước.