Văn phòng của tập đoàn bất động sản Evergrande tại Hong Kong, Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Trong một bình luận chính thức hiếm hoi về cuộc khủng hoảng thanh khoản của nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc China Evergrande Group đang gây chấn động toàn cầu, một quan chức PBoC ngày 15/10 cho biết, tác động lan tỏa từ các vấn đề nợ của Evergrande đối với hệ thống ngân hàng là có thể kiểm soát được.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Zou Lan, người đứng đầu bộ phận thị trường tài chính tại PBoC cho hay, giới chức Trung Quốc đang thúc giục Evergrande đẩy mạnh việc thanh lý tài sản và nối lại các dự án xây dựng và sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho công ty trong vấn đề này.
Theo ông Zou, trong những năm gần đây, Evergrande đã không tự vận hành và quản lý tốt. Công ty đã không thực hiện các quyết định đầu tư thận trọng theo điều kiện thị trường luôn thay đổi, trong khi đa dạng hóa và mở rộng hoạt động kinh doanh một cách mù quáng.
Ông Zou cũng cho biết các công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu ở nước ngoài nên tích cực thực hiện nghĩa vụ trả nợ của họ. Evergrande chưa đưa ra thông tin cụ thể nào về kế hoạch trả nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, sau khi công ty đã bỏ lỡ ba vòng thanh toán lãi suất cho trái phiếu phát hành bằng đồng USD của mình.
Bên cạnh đó, ông Zou nói một số bên cho vay đã có "sự hiểu lầm" về các chính sách kiểm soát nợ của PBoC. Sự hiểu lầm đó đã gây ra căng thẳng tài chính cho một số nhà phát triển và khiến một số dự án mới không thể vay được ngay cả khi đã hoàn trả các khoản vay hiện có.
Song theo quan chức PBoC, phản ứng cực đoan ngắn hạn này là một hiện tượng bình thường của thị trường.
Các bình luận của ông Zou được đưa ra khi có những nguồn tin cho hay Giám đốc điều hành (CEO) của Evergrande, ông Xia Haijun đang tổ chức các cuộc đàm phán tại Hong Kong (Trung Quốc) với các ngân hàng đầu tư và chủ nợ về khả năng tái cơ cấu và bán tài sản.
Evergrande đã phải chịu thêm những đả kích mới hôm thứ Sáu. Một số nguồn tin nói rằng nhà phát triển bất động sản Yuexiu Property thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã rút khỏi thỏa thuận mua lại tòa nhà trụ sở Hong Kong của Evergrande trị giá 1,7 tỷ USD.
Theo nguồn tin, lý do là vì phía Yuexiu lo lắng về tình hình tài chính tồi tệ của nhà phát triển lớn thứ hai Trung Quốc này.
Thêm vào những tin tức tồi tệ là cơ quan quản lý kiểm toán của Hong Kong cùng ngày thông báo họ đang điều tra các báo cáo kế toán năm 2020 của Evergrande, cùng với cuộc kiểm toán do PwC thực hiện đối với những báo cáo này.
Giới chức Hong Kong cho hay, họ lo ngại khả năng báo cáo chưa đánh giá đầy đủ về việc liệu Evergrande có thể tiếp tục hoạt động bình thường, không có dự định phá sản hay thu hẹp quy mô kinh doanh trong thời gian tới hay không.
| Châu Âu lâm khủng hoảng năng lượng, Mỹ kêu gọi Nga phải nỗ lực nhiều hơn Ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ... |
| Nếu ‘bom nợ’ Evergrande của Trung Quốc phát nổ, kinh tế Australia có bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng dominos? Khủng hoảng nợ Evergrande và "sức khỏe" của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với Australia, nước vốn có ... |