📞

Thủ tướng Nga từ chức, nhận vai trò trong Hội đồng An ninh mới

22:09 | 15/01/2020
TGVN. Ngày 15/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã trình đơn từ chức lên Tổng thống Vladimir Putin.  
Thủ tướng Medvedev (phải) tới gặp Tổng thống Putin trước khi nhà lãnh đạo Nga đọc Thông điệp Liên bang. (Nguồn: TASS)

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, chính phủ do ông lãnh đạo sẽ từ chức để giúp Tổng thống Putin có khả năng tiến hành những cải cách mà ông muốn thực hiện đối với Hiến pháp Nga.

Tổng thống Putin đã cảm ơn Thủ tướng Medvedev trong thời gian phục vụ vừa qua, song vẫn nhấn mạnh rằng Nội các của ông Medvedev đã không đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra. Tổng thống Putin đã đề nghị Nội các của ông Medvedev tiếp tục làm việc cho đến khi một nội các mới được thành lập.

Truyền thông Nga cho biết ông Medvedev có thể sẽ được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của Tổng thống.

Cũng trong ngày 15/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý đảm nhận vai trò trong Hội đồng An ninh của Tổng thống.

Sự bổ nhiệm trên được đưa ra sau khi ông Medvedev đệ trình đơn từ chức lên Tổng thống Vladimir Putin. Phát biểu trên truyền hình, ông Medvedev cho biết các đề xuất sửa đổi Hiến pháp mà Tổng thống Putin đưa ra sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực của đất nước, và vì vậy "chính phủ trong định dạng hiện nay đã từ chức".

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta nên tạo điều kiện cho tổng thống tiến hành mọi biện pháp cần thiết" để thực hiện các thay đổi trên.

Ông Medvedev vốn là một đồng minh thân cận của ông Putin, đã đảm nhận chức vụ Thủ tướng Nga từ năm 2012. Trước đó, ông có 4 năm làm Tổng thống, từ 2008-2012. Ông từ chức sau khi Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang trước đó cùng ngày, trong đó ông Putin đề xuất sửa đổi hiến pháp để tăng quyền cho thủ tướng và các thành viên nội các.

Cụ thể, ông Putin đề nghị thay đổi phương thức bổ nhiệm chính phủ theo cách Quốc hội đề xuất các ứng cử viên, và Tổng thống không có quyền từ chối đề cử của Quốc hội vào các cương vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng thay cho việc Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng.

Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giữ quyền xác định các ưu tiên của chính phủ và quyền bãi nhiệm các thành viên chính phủ. Tổng thống vẫn kiểm soát trực tiếp hệ thống phòng thủ. Đồng thời, việc bổ nhiệm người đứng đầu các bộ sức mạnh sau khi tham khảo ý kiến với Hội đồng Liên bang (Thượng viện). Cuối cùng, ông đề nghị đưa ra trưng cầu dân ý về những sửa đổi Hiến pháp.

(theo TASS/Spuniknews/TTXVN)