Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc chú ý hơn tới công tác xây dựng Đảng, một công tác quan trọng, qua đó, làm cho các cơ quan Nhà nước vững mạnh. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo, cần quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Về nhiệm vụ cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong năm 2019, Thủ tướng cho biết các dự thảo Nghị quyết 01 và 02 đã nêu những vấn đề cốt lõi, từng chỉ tiêu cụ thể và sẽ sớm ký các văn bản này để ban hành vào ngày 1/1/2019 để các bộ, ngành, địa phương triển khai.
Trong năm 2019, năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng chia sẻ khát vọng đưa đất nước tiến lên, không chịu nghèo đói lạc hậu: “Hệ thống chúng ta, công tác tư tưởng và tổ chức của chúng ta phải phục vụ cho sự vươn lên của dân tộc, không để dân tộc ta yếu kém so với các dân tộc khác trong khu vực châu Á và thậm chí trên toàn cầu. Tinh thần ấy phải được thổi vào các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp”. Nhà nước thực hiện vai trò quản lý nhưng “tinh thần ở đây là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương. |
Việc quản trị quốc gia gần 100 triệu dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực sâu rộng không phải là chuyện dễ dàng nhưng đó là yêu cầu đối với các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, phải sát dân hơn, lắng nghe nhiều hơn, xử lý kịp thời hơn. Người dân đang nhìn vào sự lãnh đạo, quản lý của chúng ta, nhìn vào việc khắc phục các tồn tại, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước đã phát hiện, “chứ không qua Hội nghị rồi, chúng ta không có hành động quyết liệt thì khó có thể thành công”.
Cho rằng năm 2018 đạt nhiều kỷ lục và toàn diện, bộ mặt đất nước không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện, Thủ tướng nêu rõ cũng cần nhìn nhận các tồn tại, bất cập “chứ không phải bệnh thành tích”. Đó là sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, cần chủ động nghiên cứu, xử lý. Nhiều địa phương, nhiều ngành chậm thay đổi mô hình tăng trưởng. Các nguồn lực chưa được giải phóng để tạo điều kiện cho phát triển. Sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Đặc biệt, còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, “đây là kinh tế - xã hội chứ không phải kinh tế ‘trừ’ xã hội”. Còn tình trạng quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt. “Đến xã, đến huyện xin giấy tờ có cần phong bì, phong bao không? Những câu hỏi nhức nhối như vậy của người dân chúng ta phải khắc phục”.
Một số vấn đề xã hội khác như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, xã hội đen, tín dụng đen… là những vấn đề cần có biện pháp xử lý, trấn áp mạnh mẽ.
Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, một số cơ quan Trung ương và không ít địa phương còn giải quyết công việc không nghiêm, còn chậm trễ, nhiều việc còn kéo dài để doanh nghiệp kêu ca.
Cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính còn bất cập, Thủ tướng đặt vấn đề tại sao cùng thể chế như nhau mà các tỉnh gần nhau thì có tỉnh chỉ số PCI rất cao, có tỉnh rất thấp. “Chúng ta cũng cần trăn trở là tại sao cùng chủ trương, cùng cơ chế chính sách mà nơi này làm rất tốt, nơi khác lại trì trệ”.
Theo Thủ tướng, thực tiễn cho thấy cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu ở đâu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, sâu sắc, đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự gương mẫu, trách nhiệm vì lợi ích chung thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn.
Thủ tướng cũng nêu vấn đề về thực hiện Luật Tiếp công dân khi mà nhiều lãnh đạo địa phương chưa thực hiện nghiêm và nhấn mạnh, Tổ công tác đặc biệt mà Thủ tướng vừa ký thành lập, do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng, có một nhiệm vụ là kiểm tra các tỉnh về việc thực hiện Luật Tiếp công dân.
“Lo cho dân chứ không phải biếu xén cấp trên”
Để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018, Thủ tướng nhìn nhận, không phải dễ dàng để đạt tăng trưởng 6,7-6,8%, thậm chí hơn 7% khi mà “mẫu số” năm 2018 đã khá lớn, quy mô nền kinh tế ngày càng tăng và bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đây là việc khó, do đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai nghiêm túc, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt những nội dung của Nghị quyết 01 và 02.
Thủ tướng quán triệt tinh thần chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể và đặc biệt cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện ở từng cấp, từng ngành. Sự quyết liệt đôn đốc là kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ. Ở đâu làm quyết liệt thì ở đó đạt kết quả tốt.
“Vấn đề thứ 2 tôi rất thấm thía điều các đồng chí đề nghị là đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm”, Thủ tướng nói và giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì cùng các bộ có liên quan trình Chính phủ tiếp tục giao việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TPHCM và các tỉnh có liên quan. “Không để các địa phương phải ôm tài liệu ra bộ này, bộ khác xin việc này việc khác, xếp hàng chờ đợi. Phương thức quản lý đó lạc hậu rồi, anh cần phân cấp trao quyền mạnh mẽ. Còn anh làm sai, làm trái pháp luật thì chúng ta phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc”, Thủ tướng nói.
Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội đối với hệ thống hành chính nhà nước và khu vực sản xuất kinh doanh. Tìm mọi giải pháp xóa bỏ các rào cản, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy tinh thần tự hào dân tộc, tạo ý chí vươn lên mạnh mẽ trong mọi tầng lớp xã hội, để tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2019 và thời gian tới.
Phải đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, nhưng không có nghĩa là chúng ta kìm hãm sự phát triển. Năm 2019, phải rà soát lại toàn bộ các thể chế, các quy định pháp luật, bảo đảm công khai minh bạch, tạo môi trường không tham nhũng, bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính và những cán bộ, công chức, viên chức yên tâm cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước. Không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hành động.
Đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và sắp ký kết, Thủ tướng đặt câu hỏi lớn cho các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương: “Tâm thế chuẩn bị để mang lại lợi ích cho dân tộc, cho doanh nghiệp, người dân là gì?” và nhấn mạnh không để bị động trong vấn đề này. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, tránh tình trạng sân trước, sân sau, chống tham nhũng.
Đối với thông tin truyền thông, Thủ tướng mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí phải làm nhiệm vụ khơi dậy niềm tự hào, khát vọng dân tộc để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, năng lực, làm giàu cho mình và đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước.
Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc sắp đến, Thủ tướng cho biết vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, “tinh thần là phải lo Tết cho nhân dân chứ không phải lo cho cán bộ cấp trên. Các doanh nghiệp, địa phương không phải đi biếu xén cấp trên”.
Đối với các kiến nghị mà địa phương nêu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành tập trung giải quyết, “chứ không phải nói để cho vui”.
Về vấn đề đầu tư theo hình thức BT mà nhiều địa phương nêu, Thủ tướng cho biết sẽ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và Nghị quyết sắp ban hành sẽ làm cơ sở để giải quyết ách tắc trong vấn đề này. Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết về mặt định hướng, nguyên tắc, chứ không phải công nhận mặt bất cập của vấn đề này.