Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, sáng 11/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường sang thủ đô Phnom Penh, Campuchia tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2017 (WEF-ASEAN) từ ngày 11-12/5/2017.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dự Diễn đàn lần này có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư và Thứ trưởng các bộ: Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông- Vận tải; Y tế…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại WEF - Mekong, 10/2016. (Nguồn: VOV) |
Chương trình nghị sự của Hội nghị WEF-ASEAN tập trung đánh giá tiến trình phát triển và hội nhập của ASEAN, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn phát triển sắp tới của ASEAN.
Với chủ đề “Thanh niên, Công nghệ và Tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”, Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào cách tiếp cận giải quyết bài toàn mở rộng lực lượng lao động trẻ và năng động của khu vực, nhằm xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho khu vực.
Hội thảo cũng sẽ thảo luận nhiều vấn đề phản ánh sự quan tâm của giới doanh nghiệp đối với ASEAN như định vị ASEAN trong bối cảnh mới về địa-chính trị và kinh tế toàn cầu, triển vọng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các nước ASEAN trong lĩnh vực giáo dục, lao động, năng lực cạnh tranh, kinh tế số…, phát triển đồng đều và bao trùm trong ASEAN…
Kể từ khi thành lập từ ngày 8/8/1967, ASEAN không ngừng phát triển và lớn mạnh. Dấu mốc quan trọng là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015 đã mở ra giai đoạn phát triển mới cho ASEAN - Cộng đồng ASEAN. Sự hình thành cộng đồng không chỉ có ý nghĩa đối với chính phủ các nước ASEAN mà còn mang lại cho người dân các nước ASEAN nhiều lợi ích thiết thực, vai trò và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế ngày càng được đánh giá cao hơn.
Từ năm 2016, cùng với sự kiện hình thành cộng đồng ASEAN, WEF quyết định đổi tên Hội nghị WEF Đông Á thành Hội nghị WEF - ASEAN, cho thấy sự coi trọng của WEF đối với khu vực. Tại WEF - ASEAN năm nay, việc được đánh giá cao về vai trò và cơ hội đầu tư cũng đã thu hút hơn 750 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp lớn của các nước.
Chuyến tham dự WEF-ASEAN 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và WEF, nhất là sau thành công của Hội nghị WEF – Mekong (tháng 10/2016 tại Hà Nội), Hội nghị WEF Davos (tháng 1/2017 tại Thụy Sỹ), dịp ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập trong năm 2017 và hướng tới năm 2018, Việt Nam đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà WEF - ASEAN 2018.