📞

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam

07:22 | 29/06/2016
Ngày 28/6, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2016) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Phát biểu tại buổi lễ trang trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gia đình luôn giữ vai trò là tế bào của xã hội, là tổ ấm duy trì nòi giống, là thiết chế quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,.

Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Những giá trị truyền thống quý báu như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, thủy chung, hiếu học, cần cù sáng tạo, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách... đã được các thế hệ gia đình Việt Nam gây dựng và giữ gìn, vun đắp và phát huy, để lại cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau như một hành trang quý báu để tiếp tục phát triển.

Thủ tướng và Phu nhân dự chương trình kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, gia đình luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống. Gia đình cũng là chốn nương náu cuối cùng của cuộc đời mỗi con người. Khi đạt được thắng lợi hay thành công, sau chúng ta là gia đình. Khi gặp khó khăn hay thất bại, gia đình là nơi đem lại hy vọng và nghị lực. Gia đình Việt Nam luôn là nơi bình yên của mỗi người. Đất nước phát triển, Tổ quốc vững bền không thể tách rời với gia đình yên ấm, con người hạnh phúc.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi, thậm chí có những thay đổi có thể làm mai một truyền thống. Tuy vậy, giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam. Gia đình vẫn là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Sự phát triển nhanh chóng và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra nhiều thách thức đối với đất nước Việt Nam nói chung và với công tác gìn giữ, phát triển, xây dựng gia đình Việt Nam nói riêng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và từng gia đình, từng cá nhân có những hành động thiết thực để tôn vinh và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, trong đó tập trung làm tốt một số việc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến 2020.

Thứ hai, cần nâng cao nhận thức về vai trò hết sức quan trọng của gia đình trong sự phát triển chung của toàn xã hội. Các chính sách kinh tế - xã hội cần phải quan tâm tới những tác động đối với đời sống của mọi gia đình.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về gia đình; tích cực triển khai các chương trình phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về công tác gia đình; xác định mục tiêu ưu tiên theo từng năm phù hợp với lộ trình phát triển; kiện toàn bộ máy đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình.

Thứ tư, tăng cường thông tin, truyền thông về giá trị gia đình, về tầm quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội; chú trọng biểu dương những tấm gương tốt và phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và với giá trị gia đình.

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động của Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và gia đình văn hóa; chú trọng nghiên cứu sự biến động của gia đình Việt Nam hiện đại, để từ đó đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp, hiệu quả.

Sau 15 năm được ghi nhận, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã trở thành ngày truyền thống, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân. Đây cũng là ngày thắp lên tinh thần hướng về gia đình, hướng về tổ tiên - qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao quý của dân tộc. Cùng với sự phát triển của đất nước, Ngày gia đình Việt Nam dần trở thành ngày hội trên mọi miền của Tổ quốc. Các hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam ngày càng được tổ chức phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.