Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân rời Hà Nội lên đường tới Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN) |
Tháp tùng Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tham gia đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Theo lịch trình công tác, từ ngày 27/6 - 29/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka, trong đó trọng tâm Hội nghị sẽ diễn ra trong ngày 28 và 29/6.
Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế lớn, chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu. Với tư cách khách mời, Việt Nam được mời tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm nay dự kiến tập trung thảo luận về các vấn đề gồm kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo và kinh tế số, môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… Sự kiện này thu hút sự chú ý khi diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.
Đây là lần thứ 4 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời danh dự của các nước chủ nhà đăng cai tổ chức, trong đó Canada (năm 2010), Hàn Quốc (năm 2010), Đức (năm 2017) và Nhật Bản (năm 2019). Cùng tham gia với tư cách khách mời còn có Singapore, Thái Lan, Chile, Ai Cập, Senegal, Tây Ban Nha và Hà Lan.
Từ ngày 30/6 - 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm làm việc song phương với Nhật Bản, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác cung cấp ODA lớn nhất, đối tác thứ 2 về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đối tác lớn thứ 3 về du lịch và đứng thứ 4 về đối tác thương mại. Chuyến thăm này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, tăng cường sự phối hợp của hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển tốt đẹp, toàn diện, với sự tin cậy chính trị cao. Hai bên luôn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN... Cá nhân Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã thăm Việt Nam 4 lần, mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam dự các Hội nghị thượng đỉnh G7 và G20.
Chuyến đi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, tạo cơ sở tiếp tục đề cao vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương; đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.