Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề "Giải quyết các nguy cơ đối với hoà bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu". |
Cùng tham dự và phát biểu có Tổng thư ký LHQ António Guterres, các Tổng thống, Thủ tướng và đại diện cấp cao của các nước thành viên HĐBA#_ftn1.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ HĐBA LHQ, thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thách thức toàn cầu hàng đầu hiện nay.
Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ khẳng định và đề cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm cương vị Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Tham gia thảo luận, Tổng thư ký LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của BĐKH, khẳng định đây là thách thức hàng đầu của thế kỷ XXI, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác đa phương trong nỗ lực này.
Lãnh đạo và đại diện các nước thành viên HĐBA chia sẻ quan ngại chung về những tác động nghiêm trọng và đa chiều của biến đổi khí hậu, khẳng định mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và tình trạng bất ổn, xung đột, đồng thời bày tỏ mong muốn và đề xuất các giải pháp nhằm giúp HĐBA phát huy vai trò, tiếng nói phù hợp trong giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu đối với hòa bình, an ninh quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. |
Phát biểu tại Phiên thảo luận mở, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng đối với Trái đất và nhân loại do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có tác động tiêu cực đối với an ninh, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời đưa ra khuyến nghị về 4 nhóm giải pháp căn cơ mà HĐBA cần tập hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế trong hành động.
Theo Thủ tướng, HĐBA cần có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng khi xử lý vấn đề này, nhất là cần loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất bình đẳng, chính trị cường quyền và can thiệp, áp đặt đơn phương.
Thủ tướng kêu gọi việc tuân thủ nghiêm túc Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế cần trở thành một chuẩn mực hành xử trong quan hệ quốc tế, nhấn mạnh HĐBA và cộng đồng quốc tế cần dành thêm nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn HĐBA tăng cường năng lực về cảnh báo, trung gian hòa giải, ngăn ngừa và giải quyết xung đột; bảo đảm tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ của quốc gia; đặt lợi ích chung của cộng đồng và mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định mạnh mẽ chủ trương và quyết tâm chính trị cao của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu đồng thời khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu tại HĐBA và các diễn đàn đa phương khác, luôn hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và tích cực ủng hộ hợp tác ASEAN-LHQ trong lĩnh vực này.
Biến đổi khí hậu và các tác động tới hòa bình - an ninh quốc tế là chủ đề nhận được sự quan tâm tại HĐBA LHQ. Từ năm 2007 đến nay, HĐBA đã tổ chức 9 cuộc họp để thảo luận vấn đề này và đã thông qua một Tuyên bố Chủ tịch (PRST) tại cuộc Thảo luận mở năm 2011 về “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Tác động của biến đổi khí hậu” do Đức chủ trì tổ chức. |
#_ftnref1 Gồm Tổng thống Pháp, Tunisia, Kenya; Thủ tướng Anh, Nauy, Estonia, Niger, Saint Vincent và Grenadines; Bộ trưởng Ngoại giao Ireland, Mexico, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ; Đặc phái viên về BĐKH của Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện một số nhóm gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Đức (đại diện nhóm Bạn bè về biến đổi khí hậu), Tổng thống Malawi (đại diện nhóm các nước kém phát triển nhất thế giới) và Thủ tướng đảo quốc Antigua và Barbuda (đại diện Liên minh các nước đảo nhỏ).