Sau khi nghe bà Louise O. Fresco, Chủ tịch của Đại học Wageningen giới thiệu về trường và những hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng những thành tựu của trường, cảm ơn trường đã giúp đỡ, đào tạo nhân lực cho Việt Nam. Đến nay, trường đã hợp tác và đào tạo gần 200 kỹ sư, tiến sĩ chuyên ngành cho Việt Nam.
Bà Louise O. Fresco, Chủ tịch của Đại học Wageningen giới thiệu với Thủ tướng về trường và những hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam rất cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn cho người dân; đồng thời tán thành với quan điểm của lãnh đạo trường về phương hướng hợp tác với Việt Nam.
Theo Thủ tướng, trường cần đào tạo cho Việt Nam những người có đủ kiến thức chuyên ngành. Việt Nam cần học tập Hà Lan để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Muốn vậy trước hết phải làm tốt công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Chính vì vậy, Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp của phía Hà Lan trong những năm qua. Vui mừng vì Hà Lan luôn đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng mong muốn Chính phủ Hà Lan sẽ huy động các nhà khoa học, trường đại học vào sự hợp tác này.
Thủ tướng cũng đề nghị WUR cùng các trường đại học Việt Nam thành lập một số trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là chăn nuôi, rau quả; hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiểm soát dịch bệnh, chế biến thức ăn, giết mổ, xử lý chất thải...
Trò chuyện với các em sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại trường, Thủ tướng mong các em nỗ lực học tập, nghiên cứu để mang kiến thức về xây dựng đất nước vì Việt Nam đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, lại là nước sản xuất nông nghiệp có nhiều vấn đề đang đặt ra. “Chúng ta phải đi từ khoa học công nghệ, ứng dụng vào đời sống từ quản lý, sản xuất... Những đề tài các sinh viên nghiên cứu rất thiết thực, mong các em sẽ tiếp tục nỗ lực trở về đóng góp cho đất nước”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Cùng ngày, Thủ tướng đã tới thăm Viện Nghiên cứu An toàn thực phẩm RIKILT. RIKILT thuộc WUR, ra đời năm 1975 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm kiểm nghiệm Sữa của Chính phủ tại Leiden và Trung tâm kiểm nghiệm Nông nghiệp của Chính phủ tại Maastricht. Viện đã giành được nhiều hợp đồng cho các dự án quốc gia, quốc tế và EU. RIKILT đã có hợp tác với Việt Nam thông qua đào tạo nguồn nhân lực cho một số Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm tại Việt Nam. Tháng 4/2017, Lãnh đạo Viện RIKILT đã thăm làm việc tại Trung tâm đào tạo, tư vấn và chuyển giao công nghệ của Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam.
Đại học Wageningen (WUR), đại học nông nghiệp quốc gia ra đời ở thành phố Wageningen năm 1876, nằm trong danh sách 150 đại học tốt nhất thế giới và đứng thứ 36 thế giới trong ngành khoa học đời sống và nông nghiệp năm 2016 (Tổ chức Xếp hạng Thượng Hải) và 11 năm liên tục là đại học tốt nhất Hà Lan. VUR thu hút 10.000 sinh viên từ hơn 100 quốc gia, là đại học Hà Lan đầu tiên được phép áp dụng tiêu chuẩn ECTS (tiêu chuẩn của Ủy ban châu Âu về chương trình giảng dạy chất lượng). WUR có thế mạnh so với các đại học khác ở điểm kết hợp giữa đại học và các viện nghiên cứu; các ngành khoa học tự nhiên và xã hội liên quan đến nhau. WUR đào tạo cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ trong ba chuyên ngành chính: thực phẩm và sản xuất thực phẩm, môi trường sống, y tế - lối sống và cuộc sống. WUR hợp tác với các đối tác Việt Nam trên hai mảng là hàn lâm và ứng dụng (hợp đồng/dự án); hợp tác nhiều năm với Đại học Cần Thơ, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Huế và một số trường, viện khác. Hiện tại có 9 thạc sỹ và 30 nghiên cứu sinh tiến sỹ Việt Nam đang nghiên cứu và học tập tại WUR. WUR hợp tác với các đối tác Việt Nam trên hai mảng: hàn lâm và ứng dụng (hợp đồng/dự án); hợp tác nhiều năm với đại học Cần Thơ, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Huế và một số trường/viện khác. |
Một số dự án đang và sẽ triển khai: Dự án xóa nghèo với cây khoai tây: các bên tham gia gồm Pepsico Vietnam, Agrico BV, WUR, mục tiêu phát triển hệ thống sản xuất khoai tây bền vững ở nhiều vùng nông nghiệp thuận lợi của Việt Nam nhằm giảm nghèo nông thôn, tăng năng suất và lợi nhuận cho các hộ nông dân trồng khoai tây nhỏ lẻ; mang lại nguồn cung khoai tây quanh năm, qua đó tăng cường an ninh lương thực, giảm lệ thuộc vào khoai tây tươi nhập khẩu. Dự án hướng tới việc đơn giản hóa quy trình thủ tục đăng ký giống khoai tây và phát triển hệ thống cấp chứng nhận hạt khoai tây ở Việt Nam. Dự án Fresh Academy: các bên tham gia gồm Demokwekerij Westland and Kenlog b.v., HAS Den Bosch (Jos Leeters), Lentiz, WUR, mục tiêu lập viện đào tạo và cung cấp kiến thức thực tiễn ở Việt Nam (khái niệm, đào tạo năng lực, phương pháp và thực tế), phát triển thành trường kinh doanh về lĩnh vực nông phẩm hoàn chỉnh bao gồm toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị với ưu tiên hàng đầu là quá trình sản xuất và sau thu hoạch, phát triển kiến thức, cấu trúc và mô hình kinh doanh bền vững cho 4 cơ sở trồng trọt tại Việt Nam. Dự án ENTIRE (PhD’s): trong khuôn khổ dự án, 3 nghiên cứu sinh tiến sỹ sẽ nghiên cứu các khả năng giảm thiểu, tái sử dụng và tái lập nguồn nước sạch tại 3 khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào các giải pháp công nghệ và cơ chế điều hành thông minh. Dự án sẽ được triển khai với sự cộng tác chặt chẽ của đại học Văn Lang và một số bên liên quan của Việt Nam (gồm cả các công ty hạ tầng khu công nghiệp). |