Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. |
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Suga Yoshihide ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu, lâu dài, mong muốn tiếp tục cùng Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác song phương cũng như trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong đối phó với dịch Covid-19 thời gian qua, mong hai bên tiếp tục hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua dịch bệnh trong thời gian tới.
Về phần mình, Thủ tướng Suga vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, cảm ơn sự hợp tác tích cực của Việt Nam trong phòng chống Covid-19. Ông Suga khẳng định Nhật Bản coi trọng và mong muốn đưa hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới; đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam vì thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới.
Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào tháng 3/2014 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Hiện quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019), nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019), xuất khẩu đạt 14 tỷ USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019).
Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến tháng 9/2020, Nhật Bản có 4.595 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,87 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yen cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến tháng 12/2019 là 2.578 tỷ Yen (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Tiểu sử Thủ tướng Suga Yoshihide Ngày sinh: 6/12/1948 Quê quán: tỉnh Akita (miền Bắc) Trình độ học vấn: Tốt nghiệp Khoa Luật, Trường Đại học Hosei Tháng 4/1975: Thư ký Hạ Nghị sỹ Okonogi Hikosaburo (11 năm) Tháng 6/1984: Thư ký Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp Okonogi Hikosaburo Tháng 4/1987: Trúng cử Đại biểu Hội đồng Thành phố Yokohama (2 kỳ liên tiếp) Tháng 10/1996: Trúng cử Hạ Nghị sĩ (đến nay 8 kỳ liên tiếp tái cử) Tháng 5/2001: Phó Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Tháng 1/2002: Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Tháng 9/2003: Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Tháng 10/2004: Phó Chủ tịch Ủy ban Đối sách Quốc hội Đảng LDP Tháng 11/2005: Quốc Vụ khanh Bộ Nội vụ Truyền thông Tháng 9/2006: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Truyền thông (Nội các Thủ tướng Abe Shizon nhiệm kỳ 1) Tháng 10/2007: Phó Chủ tịch Ủy ban Đối sách Bầu cử Đảng LDP Tháng 9/2010: Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Điều hành Hạ viện Tháng 10/2011: Trưởng Ban Tổ chức Phong trào Đảng LDP Tháng 9/2012: Quyền Tổng Thư ký Đảng LDP Tháng 12/2012: Chánh Văn phòng Nội các Tháng 9/2020 đến nay: Chủ tịch Đảng LDP, Thủ tướng Nội các Nhật Bản Gia đình: Có vợ và 3 con trai. |