TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản, Mỹ nhất trí khởi động đàm phán FTA | |
Ông Abe hài lòng về cách Mỹ - Nhật tiếp cận với khủng hoảng Triều Tiên |
Ngày 17/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida. Đây là chuyến thăm chính thức Mỹ lần thứ hai của ông Abe kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Đáng chú ý, chuyến thăm diễn ra trong tâm bão cuộc chiến thương mại Washington - Bắc Kinh, ngay trước thềm Hội nghị thượng định Mỹ - Triều và đúng lúc người dân Nhật Bản đang mất niềm tin ở Thủ tướng Shinzo Abe sau những vụ bê bối.
Trong chuyến công du kéo dài hai ngày, Thủ tướng Shinzo Abe hội đàm với ông Trump xoay quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác kinh tế song phương. Ngoài ra, tình hình an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực Biển Đông và chiến sự Syria cũng là những nội dung trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp gỡ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hôm 17/4. (Nguồn: AP) |
Nỗ lực cứu rỗi lòng tin
Thủ tướng Shinzo Abe đến gặp ông Trump với tâm thế cầu thắng về mặt chính sách, khi mức tín nhiệm của người dân Nhật Bản với nhà lãnh đạo này sụt xuống mức thấp nhất (26,7%) kể từ khi ông nắm quyền vào tháng 12/2012. Hiện chính quyền của ông đang phải đối mặt với vô số chỉ trích, liên quan đến vụ bê bối mua đất công của tổ chức giáo dục tư nhân Moritomo Gakeun. Ngày 12/3, Bộ Tài chính Nhật Bản thừa nhận đã sửa văn bản liên quan đến quyết định giảm giá 85% mảnh đất công, dự kiến được dùng để xây trường tiểu học. Điều đáng nói là vụ việc có dính líu trực tiếp đến Đệ nhất phu nhân Nhật Bản.
Ngay trước khi lên đường tới Mỹ, một đám đông người biểu tình đã phá hàng rào cảnh sát, tiến gần tới trụ sở Quốc hội ở Tokyo để phản đối sự lãnh đạo của Thủ tướng đương nhiệm. Tại nhiều thành phố trên khắp nước Nhật, ước tính gần 50.000 người đã đổ ra đường biểu tình đòi ông Abe phải từ chức, với cáo buộc ông gian dối.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản đang thay nhau nắm giữ vị trí người “kém được lòng” nhất trong nhóm nhà lãnh đạo thuộc các nước công nghiệp phát triển G7. Bởi vậy, một hội nghị thượng đỉnh thành công được hi vọng sẽ giúp ông Abe và ông Trump phục hồi phần nào uy tín chính trị trong nước.
Tìm lại vị trí trong “cuộc chơi”
Tổng thống Donald Trump đã xây dựng các quan hệ gần gũi với Thủ Tướng Abe từ khi ông lên cầm quyền. Trong chuyến thăm Nhật Bản của ông Trump hồi tháng 11/2017, hai nhà lãnh đạo đã chào hỏi nhau, dùng bữa trưa và cùng chơi golf tại Câu lạc bộ Quốc gia Kasumigaseki ngoại ô Tokyo. Tại đây, hình ảnh cặp đôi thể hiện “tình anh em” thắm thiết đã tràn ngập khắp các mặt báo.
Tuy nhiên, trong bầu không khí hòa giải và đối thoại sôi động trên bán đảo Triều Tiên gần đây, vai trò của Nhật Bản dường như bị lu mờ, dù nước này được cho là luôn phải hứng chịu mối đe dọa lớn nhất bên cạnh Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3, sẽ hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 và dự kiến gặp ông Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Thế nhưng khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ông Abe và ông Kim Jong-un vẫn bị bỏ ngỏ.
Duncan Innes-Ker, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á của tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn EIU thuộc tạp chí Economist nhận định: “Không rõ Nhật Bản đang bị bên nào đó cố tình gạt ra ngoài lề nhưng chắc chắn rằng các bên không chủ động để Nhật Bản tham gia. Điều đó đồng nghĩa với việc những ưu tiên của Nhật sẽ bị đẩy xuống cuối danh sách”.
Thêm vào đó, Tokyo bất ngờ bị Washington gạt ra ngoài danh sách các đồng minh và đối tác được tạm miễn thuế thép và nhôm mới. Cảm giác bị phớt lờ trong vấn đề Bình Nhưỡng, cộng với sự lạnh nhạt của Washington khiến Thủ tướng Shinzo Abe đứng ngồi không yên.
Những lo lắng của Tokyo là có cơ sở bởi nếu thành hiện thực trong thượng đỉnh sắp tới, thỏa thuận Mỹ - Triều có thể cho phép Bình Nhưỡng giữ lại các tên lửa với tầm bắn đến Nhật, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Tokyo.
Do đó, trong chuyến công du lần này, nhiệm vụ của ông Abe là tận dụng khoảng thời gian với Tổng thống Donald Trump để củng cố mối quan hệ đồng minh trước những mối ưu tiên khác của Nhà Trắng. Đồng thời, ông cần cho Washington thấy rằng Nhật Bản sẽ không đứng bên lề cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.
Khi nền tảng quyền lực đứng bên bờ vực, Thủ tướng Shinzo Abe đang đặt hết hi vọng vào một thắng lợi ngoại giao qua chuyến đi Mỹ. Một phút tỏa sáng trên sàn diễn quốc tế có thể là giải pháp hữu hiệu để nhà lãnh đạo Nhật Bản xoa dịu dư luận trong nước, đồng thời thể hiện vị thế của xứ Phù Tang trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Ông Trump sẽ đề cập vấn đề lịch sử Nhật - Triều trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Ngày 17/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết với người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản rằng, ... |
Nhà Trắng xác nhận thời điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật Ngày 2/4, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 17-18/4 tới để thảo luận cuộc ... |
Nhật Bản thúc đẩy phê chuẩn CPTPP Ngày 27/3, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua các dự luật nhằm tiến tới việc phê chuẩn Hiệp định ... |