Nhỏ Bình thường Lớn

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự phiên họp tập trung xác định rõ những việc đã làm được, những việc gì còn tồn tại, cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm trong tháng 8 và thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ và đại biểu dự phiên họp dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: VGP)

Sáng 5/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 năm 2024 để thảo luận, cho ý kiến đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; về lãi suất gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo một số ban của Đảng, các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội.

Mở đầu phiên họp, Chính phủ dành phút mặc niệm, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, kiên trung, có uy tín lớn, trọn đời bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; tấm gương học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu dự phiên họp cũng chúc mừng đồng chí Tô Lâm được Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với tỷ lệ phiếu bầu đạt tuyệt đối 100%.

Đánh giá tình hình và yêu cầu thảo luận các nội dung phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong tháng 7, nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với việc biến động chính trị, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc với giá USD, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia; Fed chưa cắt giảm lãi suất; các vấn đề già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh tác động nặng nề; đặc biệt, thế giới đã trải qua những ngày nóng nhất lịch sử trong tháng 7.

Theo Thủ tướng, ở trong nước thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn.

Trong bối cảnh đó, nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình kinh tế -xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6, tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực; tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư; 63/63 tỉnh, thành chỉ số phát triển công nghiệp tăng; các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực; nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ; an sinh xã hội được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tốt; tiếp tục xây dựng nền hành chính liêm chính, vì nhân dân phục vụ; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

“Trong tháng 7, chúng ta dành nguồn lực lớn để tăng lương cơ sở, song lạm phát tăng không đáng kể,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ cho rằng có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương; sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp, các ngành, địa phương về cơ bản có kinh nghiệm hơn, chủ động, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như: sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá; tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; an ninh, trật tự tiềm ẩn rủi ro; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự phiên họp tập trung đánh giá kỹ lưỡng tình hình triển khai các nhiệm vụ trong tháng 7 và 7 tháng; xác định rõ những việc đã làm được, những việc gì còn tồn tại, cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm trong tháng 8 và thời gian tới.

Trong số đó, thảo luận xác định rõ đâu là những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; những cách làm hay, sáng tạo, đột phá, hiệu quả trong thực tiễn; đánh giá, nhận định về tình hình tháng 8 và thời gian tới để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện mục tiêu; việc tổ chức thực hiện thật tốt những Luật vừa ban hành, nhất là các luật về đất đai, nhà ở; thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới.

Đặc biệt, hoàn thiện các chương trình, đề án trình Trung ương; chuẩn bị tốt phục vụ Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV, với phương châm phân công phải “rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ, rõ thời hạn, rõ kết quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thi đua, khen thưởng, kỷ luật kịp thời.”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng trước trên nhiều lĩnh vực, là động lực phấn đấu hoàn thành và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả năm 2024.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; điều hành tỷ giá, tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát hiệu quả.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng, tính chung 7 tháng tăng 17,1%, ước xuất siêu 14,08 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ và chất lượng được nâng lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Nguồn: VGP)

Các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ, tính chung 07 tháng tăng 8,5%. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; khách quốc tế đến 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ.

Trong tháng, có 14.735 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 8.201 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; tính chung 7 tháng, có 139,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số rút lui khỏi thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực đối với kết quả đạt được và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Công tác an sinh xã hội, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” và kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) được các cấp, các ngành chú trọng, thực hiện hiệu quả. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa được tăng cường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024
Toàn cảnh phiên họp. (Nguồn: VGP)

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) được đẩy mạnh; khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm của Luật; đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; thúc đẩy liên kết vùng gắn với xúc tiến đầu tư. Quyết liệt xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm.

Tháng 7 và 7 tháng năm 2024, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị lớn của đất nước; triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, văn hóa được thực hiện hiệu quả, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Đặc biệt, các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức phục vụ chu đáo, trang trọng Lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lý giải nguyên nhân CPI tháng 7 tăng 4,36%

Lý giải nguyên nhân CPI tháng 7 tăng 4,36%

Sáng nay (29/7), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ...

Chuyên gia chỉ rõ yếu tố thể hiện Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường

Chuyên gia chỉ rõ yếu tố thể hiện Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường

Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Australia), TS. Công Phạm khẳng định, nếu tính đến tốc độ cải tổ ...

Kinh tế biển xanh - Động lực phát triển bền vững

Kinh tế biển xanh - Động lực phát triển bền vững

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo động lực phát ...

Việt Nam và Philippines sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á

Việt Nam và Philippines sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á

Đông Nam Á có thể sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP và FDI của Trung Quốc trong thập niên tới

Kinh tế Việt Nam: Thời khắc mong đợi đã tới, giữ vững '3 chân kiềng kinh tế', lấy lại hào quang

Kinh tế Việt Nam: Thời khắc mong đợi đã tới, giữ vững '3 chân kiềng kinh tế', lấy lại hào quang

Ấn tượng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, báo cáo của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân ...

(theo TTXVN)