Thủ tướng Phạm Minh Chính Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. |
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tại Kỳ họp này, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 77 hồ sơ tài liệu, báo cáo, tờ trình trong đó có Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023
Thủ tướng Chính phủ đã nêu bối cảnh thực hiện kế hoạch phát kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024. Theo đó, nước ta bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất. Tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh, xung đột ngày càng gay gắt hơn; tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại; lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt; tiêu dùng, thương mại, đầu tư suy yếu…
Công tác điều hành trong nước chịu áp lực lớn; vừa phải tập trung chống chịu, thích ứng với các diễn biến bất lợi, tranh thủ cơ hội, thời cơ từ bên ngoài; vừa phải xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ của doanh nghiệp, dự án đầu tư, những bất cập, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thuốc, vật tư y tế, hệ thống đăng kiểm…,
Đồng thời, trong nước cũng phải ứng phó các vấn đề phát sinh về hỗ trợ người lao động, phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ; khó khăn, thách thức nhiều hơn đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023.
Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Trung ương mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
Nhờ đó, nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tuy chưa đạt được mục tiêu nhưng vẫn thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật được chú trọng, dành nhiều thời gian, đổi mới cách chỉ đạo, cách làm. Đầu tư công và các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả và sản phẩm cụ thể; nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ trong khó khăn.
Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng. Độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Công tác đối ngoại là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển KTXH và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên.
Công tác thông tin, truyền thông được quan tâm, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin và tạo đồng thuận xã hội; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm.
Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20; góp phần duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ những hạn chế bất cập nguyên nhân tồn tại, hạn chế và 5 bài học kinh nghiệm, đó là cần quán triệt, nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.
Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Trong đó, kinh nghiệm quan trọng là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm…