📞

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Chu Văn 12:19 | 01/09/2022
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cho thấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái do tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức, chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2022).

Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và tỉnh Quảng Ninh.

Tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có tổng chiều dài 80,23km, được thi công thần tốc trong thời gian chỉ hơn 2 năm sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Với điểm đầu tại Km 96+00 nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối tại Km176+00, đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (thành phố Móng Cái), cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 25,25m và vận tốc thiết kế đạt 120km/h. Đây là vận tốc thiết kế tối đa đối với đường cao tốc tại Việt Nam.

Hệ thống giao thông thông minh ITS được trang bị hiện đại ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Đây cũng là một trong số ít các tuyến đường cao tốc trên thế giới được đầu tư hệ thống chiếu sáng đồng bộ trên toàn tuyến.

Về cảnh quan - kiến trúc, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một trong những tuyến đường sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất cả nước với 35 cây cầu trên tuyến chính, tương đương tổng chiều dài hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài toàn tuyến).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho rằng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới thành phố Móng Cái chỉ còn 3 giờ, mở ra không gian phát triển mới cho Quảng Ninh và toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng.

Công trình được hoàn thành đã kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km. Từ đó, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước với 176km. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 1 cửa khẩu Quốc tế.

Việc kết nối các quốc gia ASEAN và các địa phương trong cả nước với Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư, để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái - nơi thông thương với thị trường hơn 1 tỷ dân...

Đây còn là tuyến cao tốc kết nối giữa hệ thống cảng hàng không, cảng biển, các khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa tâm linh… trên toàn tỉnh Quảng Ninh, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại tham quan của khách du lịch theo đường bộ, thu hút nhà đầu tư đến Quảng Ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài là 176km; chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176km/1046km).

Tổng vốn đầu tư 44.000 tỷ đồng do vốn của tỉnh và các nhà đầu tư tư nhân trong nước bỏ ra (trong đó vốn đầu tư của tỉnh là 15.607 tỷ đồng chiếm 35,5%, vốn các doanh nghiệp tư nhân là 28.229 tỷ đồng chiếm 64,5%).

Quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thể chế, cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện; các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau; đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp thực hiện...

Bên cạnh đó, các vấn đề kỹ thuật khác như về độ cao cầu, tĩnh không thông thủy cầu ao đổi; vấn đề khai thác của nhà đầu tư thế nào khi địa phương cùng đầu tư; việc triển khai đoạn cuối của tuyến cao tốc trong điều kiện có dịch Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn...

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh đề xuất và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, Hội đồng thẩm định nhà nước cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật... để đến hôm nay tuyến cao tốc này được khánh thành và thông xe toàn tuyến.

Theo Thủ tướng, tuyến đường cao tốc kết nối vùng rộng lớn, đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng để kết nối vùng là thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông.

Tuyến đường có vai trò, ý nghĩa tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh; thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị nơi có đường cao tốc đi qua, nâng cao đời sống cho người dân; phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển nhanh, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, góp phần nâng cao năng lực, quản lý, điều hành của các cán bộ, nhân viên liên quan đến công trình, dự án đường bộ cao tốc và của UBND tỉnh Quảng Ninh; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân nơi có đường cao tốc đi qua; góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh; phòng tuyến hợp tác kinh tế quốc tế ở khu vực biên giới. Cũng thông qua dự án, các doanh nghiệp đầu tư, thiết kế, giám sát, nhà thầu, có thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia xây dựng đường cao tốc.

Theo Thủ tướng Chính phủ, từ kết quả và ý nghĩa nêu trên cho thấy nhiều bài học. Theo đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành tin tưởng và giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc xây dựng đường cao tốc và thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực. Địa phương phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước; đồng thời cũng phải tranh thủ được sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế. Các nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên trì, kiên quyết thực hiện nhất là khi gặp khó khăn, phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách. Tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng, nhất là việc bảo đảm cuộc sống của nhân dân ít nhất phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Tạo được sự tự tin, trưởng thành của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của địa phương khi được giao nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để quản lý tuyến cao tốc 176km theo quy định của pháp luật; các bộ, ngành phối hợp với địa phương rà soát lại các quy định, thủ tục, khẩn trương hoàn thiện theo quy định của pháp luật; các địa phương phối hợp với nhau để khai thác kết nối tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển xanh, nhanh và bền vững.

(theo TTXVN)