Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Hoàng Thái tử Jordan
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Hoàng Thái tử Jordan Al Hussein bin Abdullah II. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Tại buổi tiếp, Thủ tướng chúc mừng thành công của Jordan trong triển khai “Tầm nhìn hiện đại hóa kinh tế”; đánh giá cao vai trò của Jordan trong việc hỗ trợ người dân Palestine, qua đó, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Nhà vua và các nhà lãnh đạo Jordan sớm thăm Việt Nam.
Vui mừng được gặp Thủ tướng Chính phủ, Hoàng Thái tử Jordan bày tỏ ngưỡng mộ các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam - điểm sáng về phát triển kinh tế ở khu vực châu Á, cho biết Nhà vua Jordan có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và sẽ thăm Việt Nam trong thới gian sớm nhất. Với mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam, Hoàng Thái tử nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc thiết lập các cơ chế hợp tác song phương như tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước.
Cùng chia sẻ vai trò quan trọng của hợp tác kinh tế, đầu tư, để tạo đột phá trong hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác du lịch, giáo dục và tăng cường trao đổi các mặt hàng thế mạnh của nhau, trong đó có nông, thủy, hải sản, giày dép, dệt may, điện tử của Việt Nam.
Hoàng Thái tử Jordan hoan nghênh hướng đi mới của Việt Nam trong đầu tư phát triển ngành Halal, khẳng định khu vực Arab là thị trường rất tiềm năng và sẵn sàng phối hợp, nhập khẩu các sản phẩm lương thực Halal của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng như mở rộng, tái xuất khẩu vào các thị trường khu vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Hoàng Thái tử Al Hussein bin Abdullah sớm thăm Việt Nam. Hoàng Thái tử cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thủ tướng Ai Cập
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly. (Nguồn: TTXVN) |
Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò, vị thế của Ai Cập tại khu vực và các diễn đàn đa phương; ca ngợi những giá trị mà nền văn minh sông Nile đem lại cho nhân loại. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và tin cậy chính trị cao, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai nước tích cực thúc đẩy quan hệ mọi mặt phát triển hơn nữa, hướng đến nâng quan hệ hai nước lên những tầm cao mới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Thủ tướng Mostafa Madbouly sớm thăm Việt Nam.
Về phần mình, Thủ tướng Mostafa Madbouly khẳng định, Ai Cập là một trong những nước Trung Đông-châu Phi đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1963, luôn coi trọng quan hệ truyền thống với Việt Nam và một lần nữa bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Ai Cập mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn, đầu tư tại Ai Cập sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do giữa Ai Cập với các nước Arab.
Nhất trí thúc đẩy nghiên cứu, xem xét đàm phán các hiệp định, thỏa thuận tạo khung pháp lý cho quan hệ thương mại hai nước, hai Thủ tướng cho rằng, hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và còn nhiều tiềm năng để khai thác; nhất trí trao đổi về khả năng thiết lập các khuôn khổ hợp tác thương mại song phương, qua đó, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mostafa Madbouly cũng nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp hai nước đầu tư lẫn nhau trong các lĩnh vực xe điện, nghiên cứu phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…; thúc đẩy hợp tác đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch, nâng cao hiểu biết lẫn nhau.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục ủng hộ, phối hợp lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, làm cầu nối cho nhau trong tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước Arab vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực.