📞

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Lấy xã, phường, thị trấn, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ"

CHU VĂN 12:34 | 29/08/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong quá trình triển khai, các đồng chí thấy có gì từ thực tiễn thì phổ biến; đồng thời có gì chưa được thì cũng phản ánh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Lấy xã, phường, thị trấn, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ" trong cuộc chiến chống Covid-19. (Nguồn: Nhân dân)

Sáng 29/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.060 xã, phường, quận, huyện, thị xã, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để quán triệt thực hiện nghiêm các Công điện số 1099 và 1102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và bàn giải pháp trọng tâm thời gian tới trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội. Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 2 Công điện quan trọng về phòng, chống dịch là 1099 và 1102/CĐ-TTg; quá trình này luôn có kế thừa, bổ sung, đổi mới, nhưng thời điểm này, có điểm rất mới là chúng ta lấy xã, phường, thị trấn, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ.

Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình triển khai, các đồng chí thấy có điểm gì cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, có bài học kinh nghiệm gì hay, thấy gì từ thực tiễn thì phổ biến; đồng thời có gì chưa được thì cũng phản ánh, nhất là các xã, phường; có đề xuất gì với T.Ư, tỉnh, thành phố, quận, huyện.

* Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, hoạt động giãn cách xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng người dân di chuyển trên đường phố giảm rõ rệt, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, lưu lượng người di chuyển trên đường đã giảm 90% so trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và giảm 25% so với ngày 22/8.

Đánh giá sự tuân thủ Chỉ thị số 16/CT-TTg thông qua sự di chuyển của thuê bao di động (ngày 25/8) tại Hà Nội, Đà Nẵng và 18 tỉnh khu vực phía nam cho thấy, tỷ lệ thuê bao di động ở trạng thái “đứng yên” dao động trong khoảng 42 - 72%, ghi nhận tỷ lệ cao nhất tại TP. Hồ Chí Minh (72,46%). Đánh giá theo hệ số tuân thủ quãng đường di chuyển trung bình (ngày 25/8), các tỉnh, thành phố trên có hệ số tuân thủ từ 31 - 71%, ghi nhận tỷ lệ cao nhất tại Đà Nẵng (71,2%).

Xác định công tác bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu, các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp triển khai, đặc biệt trong giai đoạn tăng cường giãn cách xã hội để bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân để yên tâm thực hiện giãn cách.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ đến từng gia đình, người dân như: phát túi an sinh miễn phí, “đi chợ hộ” với sự tham gia hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an (tại TP. Hồ Chí Minh), Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện viên...

Đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tính đến 26/8, cả nước có hơn 11 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động; hơn 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt...

Các địa phương khu vực phía nam đã triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP với số kinh phí chiếm 72,5% so cả nước; toàn bộ 19 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, phù hợp với từng địa phương như người lao động bán vé số, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động; giảm giá tiền điện….

Tính đến 26/8, cả nước có hơn 11 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động; hơn 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ; gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng...

Công tác xét nghiệm: tính đến ngày 27/8, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 34.974.519 lượt người, trong đó từ 29/4 đến nay, đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 31.447.580 lượt người.

Từ ngày 22/8, các địa phương TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và tăng cường triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đã xét nghiệm nhanh cho hơn 1,5 triệu người; Đồng Nai, Long An đã xét nghiệm cho khoảng gần 1 triệu người, trong đó Bình Dương đã thực hiện 3 đợt xét nghiệm diện rộng; Đồng Nai, Long An đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm diện rộng.

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.060 xã, phường, quận, huyện, thị xã, thị trấn. (Nguồn: Nhân dân)

Về công tác điều trị, giảm tử vong: tại TP. Hồ Chí Minh, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8/2021. Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TP. Hồ Chí Minh); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ Trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3).

Các giải pháp đã có hiệu quả giảm số ca tử vong; mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.

Ngày 26/8, Bộ Y tế đã phối hợp với TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình thuốc điều trị có kiểm soát tại cộng đồng cho các trường hợp nhiễm bệnh; đã thực hiện cấp phát 16.000 liều thuốc điều trị, giảm virus cho 16.000 người bệnh Covid-19.

Về tiêm chủng vaccine, tính đến ngày 28/8, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều.

Tính đến 26/8, 19 tỉnh phía nam, đã cấp 12.306.010 liều vaccine, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều (đạt 85.7%), gồm có 9.900.585 liều mũi 1 và 650.503 liều mũi 2.

Tính đến 26/8, 19 tỉnh phía nam, đã cấp 12.306.010 liều vaccine, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều (đạt 85.7%), gồm có 9.900.585 liều mũi 1 và 650.503 liều mũi 2.

Riêng TP. Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều (đạt 81.6%), trong đó có 5.598.834 liều mũi 1 và 187.752 liều mũi 2. Các địa phương đang triển khai tiếp nhận 810.150 liều vừa được phân bổ.

Về huy động nguồn lực: Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam.

Nhân lực y tế đã huy động hơn 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía nam; điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía nam, riêng TP. Hồ Chí Minh đã có 6 Trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong...

(theo Nhân dân)