Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6-3/7. (Nguồn: VGP) |
Nhận lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6-3/7.
Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử. Hai nước nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/2022).
Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai chính sách tại khu vực, trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc.
Thời gian qua, hai bên duy trì tốt quan hệ trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội… Giao lưu cấp cao tiếp tục được duy trì bằng nhiều hình thức linh hoạt, qua đó không ngừng củng cố lòng tin chính trị.
Về kinh tế, hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp; số 2 về hợp tác phát triển (ODA), du lịch; số 3 về lao động, thương mại của Việt Nam.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt 76,1 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng Việt Nam nhập từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện và nguyên nhiên liệu (chiếm hơn 90% tổng nhập khẩu). Xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu là điện thoại di động, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, máy móc, thiết bị, thủy sản, sản phẩm gỗ,...
Tính lũy kế đến tháng 4/2024, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký hơn 87 tỷ USD tổng vốn đăng ký, 9.957 dự án còn hiệu lực, chiếm 25,1% tổng số dự án và 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc có 118 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới 856 triệu USD, đứng thứ 3 trong tổng số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án cấp mới và tăng vốn (sau Trung Quốc và Singapore).
Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 500 triệu USD trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại. Hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc được ưu tiên cho những lĩnh vực như hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục-đào tạo, môi trường; năng lượng sạch, công nghệ thông tin...
Về giao lưu nhân dân, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc là hơn 250 nghìn người. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 150 nghìn người tại Việt Nam.
Trong năm 2023, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt người, đứng thứ nhất trong số khách quốc tế đến Việt Nam; lượng khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc đạt hơn 500 nghìn lượt người. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc vẫn là thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam với 1,6 triệu lượt, chiếm 25,8% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam.
Về hợp tác lao động, hai bên đã ký gia hạn Bản ghi nhớ hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) vào tháng 6/2023 với hiệu lực 2 năm kể từ ngày ký. Trong năm 2023, đã có gần 9.400 lượt lao động EPS, 11.000 lao động thời vụ Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc.
Về hợp tác địa phương, hiện có 76 tỉnh, thành, địa phương của Việt nam đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương, tổ chức của Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 55 địa phương, tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh.