Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN) |
Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 - 23/01.
Hội nghị thường niên WEF Davos lần thứ 54 với chủ đề “Tái thiết lòng tin” được tổ chức từ ngày 15-19/01/2024 tại Davos, Thụy Sỹ. Hội nghị sẽ tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp đối với 04 nhóm vấn đề, gồm: (i) Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; (ii) Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; (iii) Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; (iv) Trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ).
Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023).
Việt Nam và Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 03/02/1950. Bạn đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Sau khi Hungary thay đổi chế độ chính trị, trong những năm đầu thập kỷ 1990, quan hệ hai nước bị giảm sút. Từ năm 1992, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống dần được phục hồi.
Năm 2017, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Liên minh Công dân Hungary đầu tháng 9/2017 để thiết lập quan hệ chính thức với Đảng Liên minh Công dân Hungary cầm quyền. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hungary từ 8-11/9/2018, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Về kinh tế thương mại, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất xuất khẩu sang Hungary với sản lượng lớn, đạt mức trên 1 tỷ USD trong năm 2022. Điều này cho thấy thị trường Hungary rất tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện có khoảng 6.000 người, sống tập trung chủ yếu tại Budapest, kinh doanh hàng may mặc tại các chợ, trung tâm thương mại châu Á, cuộc sống tương đối ổn định, hình ảnh người Việt ở sở tại khá tốt. Bà con luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Romaniangày 03/02/1950. Từ năm 1950-1989, Bạn đã viện trợ và cho Việt Nam vay để phát triển một số ngành kinh tế. Sau khi Romania thay đổi chế độ chính trị (12/1989), hai nước tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.
Về kinh tế thương mại, từ sau 1990, ta và Bạn đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới.. Từ năm 2010, Romania đã được xếp vào nhóm các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của ta (khoảng 12.000 tấn/năm).
Cộng đồng người Việt Nam tại Romania hiện có khoảng 650 người, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc tại Trung tâm thương mại Dragon ở thủ đô Bucharest. Cộng đồng đã tổ chức được Hội người Việt Nam và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Romania. Bà con luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.