Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Campuchia, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan. (Nguồn: VGP) |
Xin Thứ trưởng cho biết đâu là những điểm nhấn nổi bật về ý nghĩa chuyến thăm Campuchia lần này của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh sau ba năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19?
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có chung đường biên giới, chung dòng nước sông Mekong và quan hệ gắn bó trên tất cả các lĩnh vực. Chuyến thăm chính thức Campuchia tới đây là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt.
Trước hết, chuyến thăm diễn ra trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022” chào mừng 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là dịp Thủ tướng hai nước sẽ rà lại tổng thể quan hệ, từ đó xác định những xung lực mới, động lực mới, biện pháp mới nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào giai đoạn mới thực chất, hiệu quả và tin cậy hơn. Trong khuôn khổ chuyến thăm, sẽ có nhiều thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau được ký kết.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hai là, sau ba năm dịch bệnh tác động không nhỏ đến hai nước và chúng ta đang có những thành công bước đầu trong phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, chuyến thăm đánh dấu việc hai nước chính thức nối lại hợp tác toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch… những lĩnh vực thiết thân với quá trình phục hồi kinh tế của hai nước, từ đó cùng nhau phối hợp xây dựng nền kinh tế tự chủ, tăng cường năng lực chống chịu với các tác động bất lợi từ tình hình kinh tế chung.
Ba là, trong bối cảnh năm nay Campuchia đảm nhận vị trí chủ nhà các hội nghị ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí đa phương quan trọng, chuyến thăm là dịp để hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm, lập trường trên các vấn đề khu vực, quốc tế, hỗ trợ nhau trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt chúng ta sẽ thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ Campuchia đảm trách thành công vai trò chủ nhà ASEAN. Điều này cho thấy sự hợp tác chiến lược Việt Nam - Campuchia không chỉ góp phần cho lợi ích hai nước mà còn cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Theo Thứ trưởng, những lĩnh vực hợp tác nào sẽ được kỳ vọng nhất trong chuyến thăm lần này?
Trong tổng thể quan hệ sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhiều kênh, nhiều cấp độ và trên nền tảng quan hệ chính trị đang rất tốt đẹp, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và hợp tác biên giới, an ninh và quốc phòng sẽ là những lĩnh vực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thời gian tới.
Lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước và sẽ là tiêu điểm của chuyến thăm của Thủ tướng. Thời gian qua, lĩnh vực này đã phát triển vượt bậc, kim ngạch thương mại hai chiều nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10 tỷ USD năm nay.
Đầu tư của Việt Nam tại Campuchia tiếp tục đứng đầu ASEAN, đạt mức gần 3 tỷ USD. Việt Nam là một trong những quốc gia có số khách du lịch đông nhất đến Campuchia. Trong chuyến thăm, Lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tiếp tục thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương, trong đó có thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, tiếp tục tăng cường hợp tác du lịch.
Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm lần này là việc hai Thủ tướng sẽ cùng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam-Campuchia, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp và quyết tâm của Chính phủ hai nước đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư thành một trụ cột trong quan hệ song phương.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh - biên giới, dự kiến hai bên sẽ bàn về các biện pháp phối hợp ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tiếp tục phối hợp giải quyết triệt tình trạng công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động bất hợp pháp tại các cơ sở kinh doanh giải trí ở Campuchia; trao đổi các các biện pháp nâng cao địa vị pháp lý, tạo điều kiện cho người gốc Việt tại Campuchia làm ăn sinh sống ổn định, thuận lợi; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới, thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.
Có thể nói, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cũng như hợp tác về quốc phòng, an ninh và biên giới không chỉ góp phần rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, mà còn bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, tiếp tục xây dựng đường biên giới giữa hai nước là đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao ASEAN 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan sắp diễn ra tại Campuchia? Xin cho biết trọng tâm thảo luận và kỳ vọng về kết quả?
Các Hội nghị Cấp cao của ASEAN lúc nào cũng đều có ý nghĩa quan trọng, song tôi cho rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan lần này có ý nghĩa đặc biệt hơn ở ba điểm.
Thứ nhất, đây là Hội nghị gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN với các đối tác, trong đó có nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực sau ba năm dịch bệnh. Thời gian qua, các nước ASEAN cơ bản đều đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thể hiện sức sống và khả năng tự cường mạnh mẽ của ASEAN.
Thứ hai, các diễn biến phức tạp gần đây trong cả tình hình an ninh và kinh tế khu vực và toàn cầu đang rất cần được các nhà lãnh đạo ASEAN và thế giới thảo luận và tìm ra giải pháp thỏa đáng nhằm sớm khôi phục kinh tế và giải quyết các tình huống khủng hoảng an ninh hiện nay. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm cũng như khả năng đóng góp quan trọng trong nỗ lực giải quyết các vấn đề chung.
Ba là, điều quan trọng nhất đối với ASEAN là qua các Hội nghị đó, ASEAN không chỉ tiếp tục thúc đẩy củng cố cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, gắn kết trong nội khối mà còn thảo luận và xác định các động lực mới, hướng đi mới, giải pháp mới để khu vực Đông Nam Á tiếp tục duy trì được sự hấp dẫn, tính năng động và tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ.
Với chủ đề “ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức”, nhiều vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận như hợp tác phục hồi kinh tế khu vực, phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng của khu vực cho đến vấn đề nâng cấp quan hệ đối tác giữa ASEAN với các đối tác nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ. Với các Hội nghị Cấp cao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác cùng hàng trăm các hoạt động song phương bên lề, tôi tin tưởng chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ là những đóng góp quan trọng của ASEAN cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN? Xin cho biết các sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, duy trì vị thế của ASEAN trên trường quốc tế?
Nhìn lại chặng đường 27 năm gia nhập và tham gia ASEAN từ 1995, trải qua nhiều thăng trầm, biến động của thế giới và khu vực, có thể tự hào nói rằng chúng ta đã thể hiện rất rõ phương châm hợp tác chủ động - trách nhiệm - sáng tạo - hài hòa trong tham gia ASEAN. Đó cũng chính là bí quyết thành công của Việt Nam trong ASEAN và đã nhận được sự ủng hộ và coi trọng của các nước thành viên ASEAN và đối tác.
Thứ nhất, là nước tham gia sau, nhưng Việt Nam đã rất chủ động thúc đẩy và có đóng góp quan trọng vào việc định hình các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó phải kể đến đưa ASEAN trở thành mái nhà chung của 10 quốc gia ở khu vực, xây dựng Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025...
Thứ hai, Việt Nam không chỉ là một thành viên có trách nhiệm trong thực hiện nghiêm túc các cam kết của khối mà còn luôn là một trong những nước đi đầu thúc đẩy các nỗ lực, giải pháp để khẳng định trách nhiệm và đóng góp của ASEAN với các vấn đề chung của thế giới và khu vực. Điều này đã được phản ánh rất rõ qua những kết quả rất toàn diện và sâu sắc của các năm ASEAN do Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch vào năm 2010 và 2020.
Thứ ba, bắt nhịp với những chuyển biến nhanh, sâu sắc của tình hình, Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN với tư duy và cách tiếp cận thực sự đổi mới, sáng tạo; thể hiện qua nhiều sáng kiến hợp tác mới do Việt Nam đề xuất, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ví dụ như những giải pháp thiết thực, cấp bách để giúp Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19 với tinh thần đoàn kết, gắn kết hơn bao giờ hết.
Thứ tư, với cách tiếp cận cân bằng và hài hòa, Việt Nam luôn được nhìn nhận đóng vai trò “cầu nối” giúp thu hẹp khác biệt và gia tăng điểm đồng giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Đây là một truyền thống của đối ngoại Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “nền ngoại giao cây tre Việt Nam”, đó là sự linh hoạt trong nguyên tắc nhưng càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp hiện nay. Chúng ta luôn đề cao quan điểm cân bằng, khách quan, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, giải quyết các khác biệt, bất đồng và tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.