📞

Thủ tướng Pháp thăm chính thức Việt Nam

21:19 | 01/11/2018
Ngày mai, 2/11, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 2-4/11. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, đồng thời cũng là kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Theo dự kiến, chiều ngày 2/11 Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ đến Hà Nội, ngay sau đó sẽ dự lễ đón chính thức do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Edouard Philippe sẽ tiến hành hội đàm và chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa hai bên. 

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng sẽ chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. 

Trong chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, Thủ tướng Philippe sẽ dự lễ khánh thành cơ sở mới của Trường Pháp Quốc tế Alexandre Yersin tại Hà Nội, có cuộc nói chuyện với thanh niên Pháp cũng như Việt Nam nói tiếng Pháp về những thách thức khí hậu, kinh tế và xã hội trong tương lai.

Ông Philippe sẽ có chuyến thăm đến Điện Biên và dự kiến sẽ đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ, thăm Đồi A1 vào ngày 3/11. Ngày 4/11, ông sẽ gặp Bí thư Thành ủy TP HCM, dự Diễn đàn Doanh nghiệp French Tech Viet, sau đó rời Việt Nam.

Tháp tùng Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam lần này có Bà Agnès Buzyn, Bộ trưởng Y tế và Đoàn kết; Ông Gérald Darmain, Bộ Bộ trưởng Hành động và Ngân sách công; Ông Mounir Mahjoubi, Quốc vụ khanh, bên cạnh Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính và Bộ trưởng Hành động và Ngân sách công; Bà Stéphanie Do, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt tại Quốc hội; Bà Catherine Deroche, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện; Ông Patrick Bernasconi, Chủ tịch Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường (CESE);... cùng một số thành viên chính phủ và các cơ quan khác. 

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, đồng thời cũng là kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Đây cũng là chuyến thăm cấp cao thứ hai giữa hai nước trong năm 2018, tiếp nối chuyến thăm Pháp thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 3 năm nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Pháp Edouard Philipe, tháng 3/2018. (Nguồn: hanslucas.com).

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). Việt Nam là một trong số ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và cho vay ưu đãi tổng số 2,2 tỷ Euro.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Pháp tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2017 đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2016, số liệu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD.

Về hợp tác đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp do Bộ Ngoại giao chủ trì, họp thường kỳ hai năm một lần, trong đó, năm 2012, kỳ họp lần thứ 5 đã diễn ra tại Việt Nam. Trong Tuyên bố chung quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào tháng 9/2013, hai bên đã thống nhất nâng lên cấp Thứ trưởng.

Năm 2017, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). 

Việt Nam và Pháp còn hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; văn hóa du lịch; khoa học công nghệ; an ninh quốc phòng; y tế và hợp tác giữa địa phương hai nước. 

Hai nước đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, với nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện…

Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Pháp có khoảng trên 300.000 người, phần lớn đã vào quốc tịch Pháp, gồm nhiều thành phần nhưng chủ yếu là người lao động, viên chức, buôn bán nhỏ và học sinh sinh viên.