Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng, ngày 29/3. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng và sau đó đưa ra các phát biểu trong một tuyên bố chung.
Phát biểu với báo giới khi mở đầu cuộc hội đàm, ông Biden khẳng định: "Ngay cả khi chúng tôi giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu, chính quyền của tôi cũng vẫn ủng hộ mạnh mẽ bước đi nhanh chóng hướng tới mục tiêu triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Về phần mình, ông Lý Hiển Long kêu gọi mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Washington và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho rằng “yếu tố đó giúp Mỹ hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều nước bè bạn, đồng thời củng cố các lợi ích chiến lược của Washington trong khu vực”.
Phản ánh vị thế của Singapore là một trung tâm thương mại, mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Bắc Kinh và Washington, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh, ông hy vọng Tổng thống Biden sẽ “làm sâu sắc hơn” quan hệ với “Trung Quốc và cả những nước khác ngoài Trung Quốc”.
Trước cuộc hội đàm, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ, Washington hài lòng với quyết định của Singapore về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trước đó, ông Biden đã lên kế hoạch chủ trì hội nghị với các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Singapore, song sự kiện đã bị hoãn lại do không phải tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đều có thể tham dự sự kiện trong 2 ngày 28-29/3 theo dự kiến của Nhà Trắng. Hiện Mỹ đang lên lịch lại cho sự kiện này.
Chuyến thăm của ông Lý Hiển Long diễn ra sau khi Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo của Mỹ thăm Singapore vào năm ngoái.
Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo thảo luận là tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome, Italy.
Singapore rất muốn lắng nghe thông tin chi tiết về các kế hoạch của Mỹ dành cho Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), khu vực mà Washington vẫn cho là ưu tiên hàng đầu, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hồi tháng 2, chính quyền của Tổng thống Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Washington cam kết đầu tư nhiều nguồn lực ngoại giao và an ninh hơn cho khu vực để đối phó với cái gọi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập phạm vi ảnh hưởng trong khu vực.
| Tin thế giới 29/3: Nga tuyên bố dồn tổng lực 'bẻ khóa' cho Donbass, cảnh cáo NATO; lý do Trung Quốc 'phản pháo' gắt với Mỹ Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên, Afghanistan là một số sự kiện quốc ... |
| Thủ tướng Singapore đến Mỹ, xung đột Ukraine lên 'bàn cân' Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Mỹ từ ngày 26/3, với hai điểm dừng chân tại thủ đô ... |