Sau một ngày khảo sát kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp; việc khắc phục hậu quả cơn bão số 1, sáng 8/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình.
Trước cơn bão số 1, Thái Bình là một trong những địa phương đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2016 là 8,03%, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Lúa - thế mạnh của Thái Bình tiếp tục được mùa, năng suất đạt đến 71,5 tạ/ha. Chỉ trong sáu tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt đến 85% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới tại Thái Bình cùng thời gian này tăng đến gần 40%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem mẫu than giếng khoan SH11 thuộc Đề án thăm dò than khu Nam Thịnh, huyện Tiền hải, Thái Bình. (Ảnh: TTXVN). |
Thái Bình cũng là địa phương tiêu biểu trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ tám xã thuộc tám huyện được chọn làm điểm, chương trình đã trở thành phong trào sâu rộng, hiệu quả trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 164 xã (chiếm 62,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó huyện Hưng Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Tuy nhiên, do cơn bão số 1 đổ bộ vào Thái Bình có tốc độ nhanh, mạnh và lâu hơn so với dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương nên mặc dù đã tập trung phòng, chống bão, song vẫn để lại những ảnh hưởng rất nặng nề đến cơ sở hạ tầng, sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh.
Toàn tỉnh có trên 50.000ha lúa bị ngập úng nặng; trên 7.000ha cây ăn quả, hàng vạn cây lâu năm và cây bóng mát bị gãy, đổ; trên 10.000ha ao nuôi cá nước ngọt, đầm nuôi trồng thủy sản mặn, lợ và hàng ngàn cột điện gãy, nứt. Ngoài ra, hàng trăm phòng học, nhà làm việc và hàng ngàn nhà dân bị tốc mái... tổng thiệt hại do bão số 1 gây ra theo ước tính ban đầu khoảng 2.500 tỷ đồng.
Công tác cải cách hành chính của Thái Bình cũng là một điểm sáng với 100% thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm hành chính công hai cấp của tỉnh (tỉnh và huyện); tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 1, Thái Bình cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng, văn hóa lớn; trong đó đáng chú ý có dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với chiều dài khoảng 44,5km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.668 tỷ đồng.
Đại diện các bộ, ngành đề nghị Thái Bình cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ nâng cao chỉ số cạnh tranh; mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông đang là một hạn chế lớn của tỉnh để tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh việc lấy kinh tế nông nghiệp làm nòng cốt thì vẫn cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế khu công nghiệp. Tỉnh cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp để nâng cao quy mô và số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn tương đối nhỏ và mỏng. Việc phát triển kinh tế nông nghiệp cũng cần tái cơ cấu mạnh hơn, trên cơ sở phù hợp với đặc thù dải đất Thái Bình giàu phù sa, có nhiều cửa sông, cửa biển bao bọc; cần chọn lại cây trồng vật nuôi phù hợp.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh truyền thống hào hùng, những đóng góp to lớn của quân và dân Thái Bình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với phương châm thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Chính vì vậy, Thái Bình là địa phương có nhiều đối tượng gia đình chính sách, thương bệnh binh, người có công được sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân Thái Bình thông minh, năng động, cần cù, có tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn là động lực quan trọng để đưa tỉnh nhà ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ với chính quyền và nhân dân Thái Bình về những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 1 vừa qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, tăng trưởng của tỉnh, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ kịp thời để nhân dân Thái Bình sớm ổn định, khôi phục sản xuất; không để đất sản xuất trống vì thiếu giống, thiếu vốn.
Thủ tướng ghi nhận những kết quả của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Nếu hoàn thành chỉ tiêu đạt 267 xã nông thôn mới vào cuối năm 2016, Thái Bình là địa phương hàng đầu cả nước về thực hiện xây dựng nông thôn mới - cuộc cách mạng khẳng định bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng biểu dương Thái Bình về công tác cải cách hành chính với những cách làm đem lại kết quả rõ nét, nhất là mô hình trung tâm hành chính công hai cấp đang được triển khai.
Chỉ ra một số điểm hạn chế của tỉnh trong tái cơ cấu nông nghiệp như hệ thống bán lẻ chưa thực sự được tổ chức tốt; đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả, Thủ tướng cũng nhận định Thái Bình còn hạn chế về cách thức tổ chức lại sản xuất; thu ngân sách tăng nhưng tích lũy nội bộ của nền kinh tế còn thấp.
Định hướng những nội dung lớn trong chính sách phát triển kinh tế tỉnh, Thủ tướng mong muốn Thái Bình phấn đấu đưa kinh tế nông nghiệp đến năm 2020 đạt giá trị 400-500 triệu đồng/ha. Muốn làm được điều này, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp vào kinh tế nông nghiệp. Bộ máy hành chính từ tỉnh đến xã cần tinh gọn hơn, gần dân hơn, minh bạch, công khai, hết lòng chăm lo cho cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng gợi ý.
Ngoài ra, Thái Bình còn cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhất là trong nông nghiệp gắn liền với ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế tại chỗ nhất là than, khí đốt; phát huy tiềm năng của các doanh nghiệp lớn đối với phát triển quê hương. Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong sản xuất; quan tâm hơn nữa các đối tượng chính sách và phấn đấu giải quyết dứt điểm vấn đề nhà ở cho người có công.
Thủ tướng cũng căn dặn tỉnh cần bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ, đề cao cảnh giác, không để tình hình xấu xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thủ tướng giao lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết một số kiến nghị về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình về việc thúc đẩy hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã tới dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đền thờ liệt sỹ tỉnh Thái Bình. Trong suốt chặng đường dài của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hơn 400.000 người con ưu tú của Thái Bình đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Kết thúc chiến tranh, trên 51.000 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh, trên 32.000 người mang trên mình những vết thương thực thể và gần 29.000 người nhiễm chất độc hóa học, chịu thương tật suốt đời.
Nhân dịp về vùng đất giàu truyền thống cách mạng Thái Bình, Thủ tướng đã tham quan và trồng cây lưu niệm tại Công trình Tượng đài "Bác Hồ với nông dân" nằm trong quần thể Quảng trường Thái Bình được xây dựng trên nền Công viên văn hóa sinh thái, thuộc phường Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình)./.