📞

Thủ tướng: Thành công của nhà đầu tư Nhật Bản cũng là thành công của Việt Nam

19:11 | 26/05/2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại buổi Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam – Nhật Bản, ngày 26/5, tại thành phố Nagoya, Nhật Bản.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Đối thoại. (Nguồn:VGP)

Cùng dự với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng và nhiều thành viên khác trong đoàn.

Phía Nhật Bản có sự tham dự của Phó Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Nhật Bản và Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các quan chức tỉnh Aichi.

Buổi Đối thoại có sự hiện diện của khoảng 200 doanh nghiệp Nhật Bản cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Đông đảo doanh nghiệp Nhật Bản tới dự buối Đối thoại. (Ảnh: H.V)

Phát biểu tại buổi Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đang có nhiều bước cải thiện. Hiện Việt Nam đã ký 13 Hiệp định Thương mại và là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Nhật Bản cũng là một thành viên. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ mới của Việt Nam quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, sáng tạo, chủ động, năng động, vì người dân.

Tại buổi Đối thoại, Thủ tướng cũng nêu một số phương hướng mà Chính phủ mới quyết tâm thực hiện như nâng cao năng suất, hiệu quả cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển nhân lực và xác định đây là khâu đột phá trong quá trình phát triển.

Thủ tướng nêu ra một số phương hướng trong phát triển đầu tư đầu tư, thương mại, du lịch.

Cụ thể, về đầu tư, Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc 6 nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức PPP, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Về thương mại, Thủ tướng cho rằng hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng nông thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện “Made in Việt Nam” đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Ngược lại, Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng công nghệ cao của xứ sở Mặt Trời mọc.

Trên lĩnh vực du lịch, Thủ tướng cho rằng hai bên cần sớm mở thêm các đường bay thẳng và đề nghị Nhật Bản đơn giản hoá thủ tục visa cho du khách Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hioyuki Ishige cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cảm thấy vững tâm trước các thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Qua cuộc khảo sát của JETRO, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Thứ trưởng Quốc vụ khanh, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công thương Nhật Bản Junji Suzuki khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản. Hiện đã có 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2014 tăng gấp 6 lần so với năm 2000. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước là bổ trợ nhau, hai bên cùng có lợi. Trước mắt, Bộ Kinh tế Nhật Bản và Bộ Công Thương Việt Nam đã thống nhất hợp tác nhiều lĩnh vực như dệt may, chống hàng giả, đào tạo công chức, tiếp tục hợp tác điện nguyên tử, nhiệt điện hiệu suất cao.

Các đại biểu chăm chú lắng nghe Đối thoại. (Ảnh: H.V)

Trong buổi Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư Nhật Bản. Thủ tướng nhấn mạnh, với phương châm thành công của nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công đầu tư của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ “tạo điều kiện, chào đón các bạn ở Việt Nam và tin rằng các bạn sẽ thành công”.

Thủ tướng nêu rõ, quan điểm Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn, phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp; coi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của nền kinh tế; bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Chính phủ Việt Nam sẽ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định kinh tế vĩ mô để các nhà đầu tư yên tâm. Thủ tướng cho rằng, “đây là thời cơ mới, thuận lợi nhất để hai bên hợp tác đầu tư, kinh doanh”.

(từ Nagoya)