📞

Thủ tướng trẻ nhất của Tunisia tuyên thệ nhậm chức

09:45 | 28/08/2016
Ngày 27/8, tân Thủ tướng của Tunisia, ông Youssef Chahed cùng các thành viên chính phủ đoàn kết dân tộc đã tuyên thệ nhậm chức. 
Ông Youssef Chahed tuyên thệ nhậm chức. (Nguồn: AFP)

Trước Tổng thống Tunisia Béji Caïd Essebsi, Thủ tướng Youssef Chahed cùng các thành viên Nội các đã tuyên thệ tôn trọng Hiến pháp và luật pháp, quan tâm đến lợi ích của đất nước và trung thành trước Tổng thống.

“Tôi xin thề sẽ làm việc tận tụy vì lợi ích của Tunisia và luôn tôn trọng Hiến pháp và luật pháp của đất nước”, ông Chahed tuyên thệ.

Theo Quốc hội Tunisia, chính phủ mới sẽ bắt đầu đi vào hoạt động kể từ ngày 29/8, sau lễ chuyển giao quyền lực giữa Thủ tướng cũ Habib Essid và người kế nhiệm Youssef Chahed.

Trước đó, hôm 26/8, với 167 phiếu ủng hộ, 22 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Quốc hội Tunisia đã thông qua danh sách thành phần chính phủ đoàn kết dân tộc mới do Thủ tướng Youssef Chahed đứng đầu.

Chính phủ của tân Thủ tướng Chahed gồm 26 Bộ trưởng và 14 Quốc vụ khanh. Một số vị trí chủ chốt trong nội các vẫn được duy trì, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Đáng chú ý, nội các mới có tới 8 thành viên nữ và 14 gương mặt trẻ.

Ông Chahed, 40 tuổi, trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Tunisia kể từ khi quốc gia Bắc Phi này giành được độc lập năm 1956. Hôm 3/8 vừa qua, ông đã được Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi chỉ định làm Thủ tướng, sau khi người tiền nhiệm Habib Essid đã không thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hôm 30/7.

Phát biểu sau khi được bổ nhiệm, ông Chahed nhấn mạnh, chính phủ mới của ông sẽ tập trung vào một loạt nhiệm vụ ưu tiên như chống khủng bố và tham nhũng, thúc đẩy đầu tư và phát triển, giải quyết các vấn đề về thâm hụt ngân sách, nợ công và cán cân thanh toán, cũng như bảo vệ môi trường...

Mặc dù Tunisia được coi là một câu chuyện thành công hiếm hoi của Mùa xuân Ả rập, nhưng những nhà cầm quyền sau đó đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề nghèo đói, thất nghiệp và tham nhũng. Quốc gia Bắc Phi này đã từng chứng kiến ​​tình trạng bất ổn xã hội tồi tệ nhất sau cuộc nổi dậy năm 2011. Năm ngoái, Tunisia cũng có một phen chấn động bởi làn sóng khủng bố, đặc biệt là vụ tấn công gây thiệt mạng cho hàng chục khách du lịch nước ngoài tại khu nghỉ dưỡng Sousse miền Đông nước này.

(theo AFP)