📞

Thủ tướng Trung Quốc: Những chân trời tăng trưởng mới hình thành dựa trên tiến bộ về công nghệ

Thanh Thu 21:00 | 25/06/2024
Phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên (WEF Đại Liên) khai mạc ngày 25/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn để phục hồi tăng trưởng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên (WEF Đại Liên) khai mạc ngày 25/6. (Nguồn: Reuters)

Quy tụ hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF, Hội nghị được tổ chức đúng vào thời điểm "bước ngoặt" của Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 5,3% trong quý đầu tiên năm 2024, vượt xa kỳ vọng của hầu hết các nhà kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế số một châu Á.

Tháng trước, Bắc Kinh đã công bố một loạt giải pháp nhằm giải cứu lĩnh vực bất động sản lên tới 300 tỷ NDT (khoảng 41,3 tỷ USD) để giúp giải quyết lượng tồn kho nhà ở dư thừa. Sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài cũng là rào cản đối với tăng trưởng trong tương lai khi những bất ổn ngày càng gia tăng do xung đột thương mại với Mỹ và châu Âu ngày càng trở nên căng thẳng.

Nhận diện những chân trời tăng trưởng mới

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn để phục hồi tăng trưởng. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức khác, tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn ở mức vừa phải, thậm chí chậm lại trong những năm tới.

"Tăng trưởng toàn cầu yếu kém không chỉ do các yếu tố tạm thời như đại dịch, lạm phát cao và nợ gia tăng. Nó có thể đến từ các vấn đề sâu xa và nội tại", ông nói.

Theo Thủ tướng Lý Cường, những chân trời tăng trưởng mới đang bắt dầu hình thành dựa trên những tiến bộ về công nghệ.

“Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ tiên tiến, năng lượng thông tin và sinh học đã mở ra những con đường mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và những thách thức lớn khác mà nhân loại đang phải đối mặt.

Điều này cũng góp phần nâng cao đáng kể chất lượng và hiệu quả của hệ thống cung ứng, đồng thời thúc đẩy và tạo ra nhu cầu lớn mới từ góc độ ngành.

Những đột phá và sự tích hợp của các công nghệ tiên tiến đã xác định lại chức năng sản xuất truyền thống, tạo ra bước nhảy vọt về năng suất, đồng thời mở ra các lĩnh vực và con đường kinh doanh mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng xanh và y sinh", người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh.

Thúc đẩy môi trường kinh doanh đẳng cấp thế giới

Kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư và kinh doanh tại Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường nói: “Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp mới của Trung Quốc bắt nguồn từ những lợi thế so sánh độc đáo của chúng tôi. Trung Quốc có một thị trường siêu lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Chúng tôi có hệ thống hỗ trợ công nghiệp hoàn chỉnh, lực lượng lao động và nguồn nhân lực dồi dào.

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng khá dễ tiếp thu các công nghệ mới. Tất cả những điều này khiến Trung Quốc trở thành một sân khấu rộng lớn để các doanh nghiệp theo đuổi sự đổi mới và nâng cấp sản phẩm của mình. Điều này có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đáp ứng các lộ trình công nghệ và mô hình kinh doanh khác nhau".

Để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, Thủ tướng Lý Cường cũng đề cập những thay đổi trong một số quy định gần đây giúp "cởi trói" môi trường kinh doanh của quốc gia hơn tỷ dân.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy một môi trường kinh doanh đẳng cấp thế giới theo định hướng thị trường trong khuôn khổ pháp lý lành mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đã bãi bỏ các quy định hạn chế tiếp cận thị trường và cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy đổi mới đến các doanh nghiệp và thúc đẩy tinh thần kinh doanh".

Thay đổi góc nhìn về già hóa dân số

Đề cập vấn đề già hóa dân số, Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, nên đặt vấn đề này dưới một góc nhìn khác. Ông nói: "Với sự cải thiện về hệ thống chăm sóc sức khỏe, đây là một quá trình lão hóa tích cực, lành mạnh. Người cao tuổi là nguồn lực quý giá cho xã hội”.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm, cần phải có phản ứng đối với những thay đổi về cơ cấu dân số - điều mà Bắc Kinh đang cải thiện trong một số lĩnh vực.

“Chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn để giải quyết những vấn đề này. Chúng tôi đang nỗ lực nâng cao hệ thống chăm sóc người già và hỗ trợ sự phát triển của 'nền kinh tế bạc'. Tôi cho rằng, một phản ứng hiệu quả không chỉ giúp chúng ta ứng phó tốt hơn với tình trạng già hóa mà còn thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới”, ông tin tưởng.

Câu chuyện Việt Nam tại WEF Đại Liên

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa)

Phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Là nước láng giềng gần gũi, “núi liền núi,” “sông liền sông,” cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, Việt Nam vui mừng trước sự phát triển và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong điều kiện thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việt Nam tin tưởng Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Một nền kinh tế Trung Quốc tự cường, mạnh mẽ, cạnh tranh bình đẳng, hội nhập sâu rộng sẽ mang lại những tác động tích cực cho thế giới".

Chia sẻ câu chuyện của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Từ một nước bị tàn phá sau 30 năm chiến tranh và bao vây cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là hình mẫu trong hàn gắn, khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai, biến thù thành bạn, thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam với 3 nền tảng, 6 chính sách trọng tâm, 3 đột phá chiến lược cùng quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt là: Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

(theo SCMP)