Tại sao Iran chưa thể thay thế dầu và khí đốt của Nga? (Nguồn: Reuters) |
Trên lý thuyết, Iran đáng ra không bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc chiến ở Ukraine vì không có chung biên giới với quốc gia Đông Âu này và cũng không được cho là điểm đến của 1,5 triệu người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh.
Nhưng giới trí thức Iran và các chuyên gia phương Tây đã nhận định rằng, nếu Iran chơi đúng bài, nước này có thể tận dụng sự cô lập mới của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và thị trường năng lượng, để vực dậy nền kinh tế ốm yếu của mình, bao gồm thông qua xuất khẩu năng lượng để lấp đầy khoảng trống xuất phát từ việc nguồn cung dầu của Nga là mục tiêu của các lệnh trừng phạt.
Tham vọng của Iran?
Thỏa thuận mới về Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) sẽ đưa nguồn cung dầu khí trước đây bị trừng phạt của Iran trở lại thị trường toàn cầu? nhưng Tehran có thể sẽ hướng tới phương Đông thay vì phương Tây.
Hy vọng về một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ cho phép Iran nhanh chóng thay thế nguồn cung năng lượng của Nga cho phương Tây có thể là quá hấp tấp vì nhiều lý do.
Iran sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới chỉ sau Nga, cùng với trữ lượng dầu được chứng minh lớn thứ tư thế giới. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong nhiều năm đối với xuất khẩu năng lượng của Iran đã cản trở cả hai ngành công nghiệp trên.
Nếu JCPOA được hồi sinh, nước Cộng hòa Hồi giáo có thể nhanh chóng tái xuất với vai trò nhà xuất khẩu dầu và khí đốt chính, tương tự như thời điểm sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân ban đầu, khi nền kinh tế Iran ghi nhận mức tăng trưởng khổng lồ là 12,5% trong giai đoạn 2016-2017.
Các chuyên gia tin rằng, tình trạng suy thoái của cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran cũng như thực tế rằng gần 80% khí đốt tự nhiên mà nước này khai thác được tiêu thụ trong nước có nghĩa là Iran không thể ngay lập tức thay thế nguồn cung của Nga. Điều này phần nào giải thích tại sao châu Âu trì hoãn áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, vốn chiếm 40% nhập khẩu khí đốt của châu Âu.
David Jalilvand, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Orient Matters có trụ sở tại Berlin, cho biết: “Trong trường hợp xuất khẩu khí đốt, Iran vấp phải nhiều rào cản lớn về cơ sở hạ tầng khi hệ thống đường ống dẫn của nước này chỉ kết nối với một số quốc gia trong khu vực, trước hết là Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ và không có các trạm đầu mối nào.
Hơn nữa, Tehran đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong nước và đơn giản là không có khả năng tăng cường xuất khẩu trong ngắn hạn đến trung hạn. Ngay cả khi Iran đã khắc phục được các vấn đề về năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng, Tehran cũng khó có thể thách thức vị thế của Nga tại châu Âu - thị trường xuất khẩu quan trọng của Moscow, nhưng sẽ cố gắng giành được chỗ đứng ở thị trường châu Á, nơi nhu cầu dài hạn có sự tăng trưởng mạnh nhất”.
Nhưng tham vọng của Iran nhanh chóng lấy lại thị phần toàn cầu đã mất cho thấy nước này sẽ tìm cách quay trở lại với tư cách là một bên tham gia quan trọng, đặc biệt khi giá dầu thô đang tăng lên mức chưa từng có - gần 130 USD/thùng.
Scott Montgomery, một nhà khoa học địa chất và là giảng viên Trường nghiên cứu quốc tế Jackson thuộc Đại học Washington, tin rằng, trong trường hợp JCPOA được khôi phục thành công, Iran có thể thay thế xuất khẩu dầu của Nga trong vòng 6 đến 8 tháng, có thể vào cuối năm 2022.
Theo nhận định của chuyên gia này, "Các ước tính cho thấy, nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ ngay bây giờ, Iran có thể khai thác đủ để xuất khẩu thêm ngay lập tức từ 1 - 1,2 triệu thùng/ngày và có thể tăng gấp đôi con số này trước cuối năm 2022. Nếu hầu hết lượng dầu này tới châu Âu, thì chúng có thể thay thế phần lớn nhập khẩu dầu của châu Âu từ Nga. Trong vòng vài năm, chẳng hạn tới năm 2025 hoặc 2026, năng lực sản xuất của Iran có thể tăng trở lại trên mức 4 triệu thùng/ngày hoặc cao hơn”.
Vốn theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán JCPOA, ông Montgomery cho rằng, việc Iran kết nối trở lại với thế giới thông qua một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của nước này vừa là một điều may mắn cho phương Tây, khi nó biện minh cho hợp tác chặt chẽ của phương Tây với Iran trong các vấn đề an ninh năng lượng.
Ông nói: “Phía Iran rất khôn ngoan. Họ biết phương Tây cũng như phương Đông đều rất muốn thỏa thuận này thành công để Iran có thể lại trở thành nhà xuất khẩu lớn và giúp ổn định thị trường dầu toàn cầu. Thực tế này càng được củng cố bởi viễn cảnh cấm xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sang phương Tây do lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, dù có tiềm năng để Iran vượt qua tình trạng trì trệ kinh tế và cô lập về địa chính trị sau nhiều năm bị áp đặt các lệnh trừng phạt gây tê liệt, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Teheran sẽ nhanh chóng đi nước đôi về mặt ngoại giao bằng cách thiết lập liên minh mới ngoài quan hệ của họ với Trung Quốc và Nga.
Alex Vatanka, Giám đốc chương trình Iran tại Viện Trung Đông ở Washington, nói với Asia Times rằng để Iran trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn cho châu Âu, cần một yếu tố duy nhất là “một quyết định chính trị ở châu Âu và Iran, theo đó hai bên coi nhau là đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng với tư cách là nhà cung cấp và bên tiêu thụ”. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện chưa có ý chí chính trị để làm điều này. Thay vào đó, Tehran hy vọng, chính sách Hướng Đông (liên quan đến Trung Quốc) sẽ cứu lĩnh vực năng lượng của họ.
Hồi sinh JCPOA - con đường gập ghềnh
Các nhà quan sát khác lưu ý rằng, khó có khả năng Iran chuyển hướng khỏi chính sách Hướng Đông - vì sự không tin tưởng đối với Mỹ và châu Âu đã được củng cố trong tâm lý của chính quyền ông Raisi.
Tom O'Connor, một cây bút của tờ Newsweek, cho biết: “Tôi không tin, Iran sẽ từ bỏ sự chuyển hướng chiến lược sang phương Đông, ngay cả trong trường hợp JCPOA mở ra cơ hội mới để giao dịch với phương Tây.
Trải nghiệm sống dưới các lệnh trừng phạt đã tạo ra quan niệm sâu sắc trong giới tinh hoa hoạch định chính sách của nước này, cũng như ảnh hưởng đến nhận thức về phương Tây của người dân bình thường. Ngoài ra, khi xét tới sự thù địch lâu nay giữa phương Tây và Iran, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không nên ngạc nhiên khi thấy Iran tiếp tục ủng hộ Nga”.
Trong khi đó, hồi sinh JCPOA vẫn chưa phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nhà đàm phán cấp cao của Iran, Ali Bagheri Kani, được cho là đã quay trở lại Tehran trong thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi sau các cuộc đàm phán ở Vienna để tìm kiếm tham vấn - về vấn đề mà các nhà phân tích suy đoán, chủ yếu liên quan đến các yêu cầu mới của Nga.
Theo các nhà nghiên cứu, những yêu cầu mới này - đặc biệt, nếu chúng cuối cùng không liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các điều khoản của JCPOA - sẽ gây ra sự khó chịu không chỉ ở Mỹ và châu Âu, mà còn ở Iran. Nếu các yêu cầu của Nga đe dọa khả năng cứu vẫn thỏa thuận, Iran có thể buộc phải hợp tác chặt chẽ hơn với các bên đàm phán khác để tìm cách giải quyết. Nga-Iran có mối quan hệ phức tạp, nhưng những hành động gần đây của Nga sẽ chỉ củng cố thêm bất kỳ nghi ngờ nào ở Tehran về việc tin tưởng vào các thỏa thuận với Nga”.
Stephen Zunes, một chuyên gia nổi tiếng về Trung Đông và là giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học San Francisco, cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, Iran và phương Tây có những lý do kinh tế mới để hoàn thiện JCPOA, bất chấp quan hệ lâu nay căng thẳng.
Ông cho biết: “Washington lo ngại, tình trạng thiếu hụt hoặc giá năng lượng cao hơn đáng kể có thể khiến các nhà nhập khẩu phản đối hoặc né tránh các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Vì vậy, Mỹ hiện có một số động lực để chấm dứt chính sách ngăn chặn Iran thực hiện phần lớn hoạt động thương mại quốc tế của nước này. Hiện hai bên có thêm động lực để cố gắng tiến về phía trước”.