Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Cung điện Grand Kremlin, ở Moscow, Nga ngày 25/5/2023. (Nguồn: Sputnik) |
Thừa nhận sự phụ thuộc đáng kể của Armenia vào Nga trong lĩnh vực quốc phòng trước đây, với 97% quan hệ quân sự của Yerevan là hợp tác với Moscow, Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh, tình hình hiện nay đòi hỏi phải thay đổi vì một số lý do khách quan và chủ quan.
Ông bày tỏ quan điểm về sự cần thiết phải đa dạng hóa hệ thống an ninh của Armenia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự không chỉ với Nga mà còn với các nước khác.
Trong số các đối tác tiềm năng, nhà lãnh đạo đề cập Iran, Ấn Độ, Gruzia, Mỹ, Pháp và đưa ra vấn đề về việc Armenia tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) trong tương lai.
Đặc biệt lưu ý cuộc gặp với đại diện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Javier Colomina ở Yerevan ngày 19/1, ông Pashinyan cho rằng, việc thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác quân sự với tổ chức này phản ánh mong muốn của Armenia trong đa dạng hóa quan hệ quốc phòng và tìm kiếm những cách thức mới để đảm bảo an ninh quốc gia.
Mới đây nhất, ngày 31/1, Đại diện chính thức của Armenia về các vấn đề pháp lý quốc tế Yeghishe Kirakosyan xác nhận, Yerevan đã chính thức gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cơ quan vốn đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga là đồng minh truyền thống của Armenia, tuy nhiên, hiện nay, quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng với những cáo buộc từ phía Yerevan cho rằng, Moscow đã làm ngơ trước tình hình ở Nagorno-Karabakh tranh chấp giữa quốc gia Kavkaz này với Azerbaijan.
Hồi tháng 9 năm ngoái, khi căng thẳng ở Nagorno-Karabakh dâng cao, ông Pashinyan cáo buộc rằng: "Các đồng minh mà chúng tôi tin cậy trong nhiều năm đã đặt mục tiêu vạch ra điểm yếu của chúng tôi và biện minh cho việc người dân Armenia không thể có một nhà nước độc lập".
Trước những cáo buộc khi ấy, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra cảnh báo mạnh mẽ: "Chúng tôi tin rằng chính phủ Armenia đang mắc sai lầm lớn khi cố tình phá hủy mối quan hệ phức tạp và kéo dài hàng thế kỷ giữa Yerevan và Moscow, cũng như biến quốc gia của họ trở thành con tin trong trò chơi địa chính trị của phương Tây".