Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container tại cảng Chân Mây. (Ảnh: Xuân Hạnh) |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhận định như vậy tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container tại cảng Chân Mây, diễn ra sáng nay (8/10), tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị thu hút hơn 200 khách mời là các chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trung ương và địa phương.
Tại Hội nghị, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đã thừa ủy quyền của Cục Hàng hải Việt Nam công bố quyết định về việc cho phép cảng Chân Mây tiếp nhận tàu và làm hàng container tại cầu cảng số 2.
Như vậy, Chân Mây là cảng biển đầu tiên ở khu vực Bắc Trung Bộ đủ điều kiện để tiếp nhận và làm hàng container.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến, năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn.
Chủ tịch Nguyễn Văn Phương khẳng định: “Việc cảng Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030 lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây ước đạt 20-25 triệu tấn/năm.
Mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng công bố chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Theo đó, các hãng tàu, đại lý hãng tàu mở tuyến cập cảng làm hàng container ở cảng Chân Mây với tần suất tối thiểu hai chuyến tàu mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến tàu cập cảng.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ được tỉnh hỗ trợ. Đối với container 20 feet sẽ được hỗ trợ 800.000 đồng/container. Đối với container 40 feet sẽ được hỗ trợ 1,1 triệu đồng/container. Chính sách hỗ trợ này có hiệu lực từ nay đến hết năm 2023.
Cảng Chân Mây nhìn từ trên cao. (Ảnh: Võ Thạnh) |
Cũng trong sáng 8/10, Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khởi công Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước 757 tỷ đồng; trong đó giá trị xây lắp là 680 tỷ đồng.
Quy mô của dự án được xây dựng kéo dài Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn đoạn 1) thêm 300m (tổng chiều dài hai giai đoạn là 750m), như dịch chuyển luồng tàu đếnvị trí mới cách luồng cũ khoảng 50m, giữ nguyên hướng hướng tuyến Tây Bắc-Đông Nam.
Kết cấu công trình đê là dạng chắn sóng mái nghiêng phủ khối bê tông phức tạp hình RAKUNA IV với độ cao đỉnh đê +7m, mặt đê là kết cấu tường đỉnh, mái dốc thân đê m=4/3 m. Nền đê xử dụng nền đất yếu bằng phương pháp nạo vét lớp bùn yếu và thay thế bằng cát từ hoạt động nạo vét, thu hồi cát tại cửa biển Thuận An.
Khi hoàn thành, dự án này bảo đảm an toàn cho tàu tải trọng 7 vạn tấn (bao gồm cả tàu vận tải hàng hóa và du lịch) vào neo đậu tại các bến ở cảng Chân Mây; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho hay, cảng Chân Mây có vai trò, trị trí quan trọng, là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tê Đông Tây, hội đủ các điều kiện có khả năng tiếp nhận đồng thời các tàu cỡ lớn, phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Cùng tiềm năng lợi thế hạ tầng sẵn có, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 dự án đê chắn sóng, cảng Chân Mây đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container và các tàu cỡ lớn cho hầu hết thời gian trong năm, kể cả mùa mưa gió.
Qua đó, tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2. (Ảnh: Thành Chung) |
Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, ông Nguyễn Văn Phương thông tin: “HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Thời gian tới, chủ đầu tư, các nhà thầu cần tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, cảnh quan, môi trường công trình và khu vực bị tác động bởi dự án và của cộng đồng”.
Kết thúc Hội nghị đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện một số dự án tiêu biểu như Công ty cổ phần Western Pacific, Công ty cổ phần Tập đoàn MIT, Công ty cổ phần Bất động sản Đại An, Công ty cổ phần Tập đoàn CĐ Việt Nam, Công ty cổ phần Bất động sản Capella, Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế, Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện một số dự án tiêu biểu. (Ảnh: Xuân Hạnh) |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, cảng Chân Mây là cảng nước sâu, có thể tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn. Cảng Chân Mây cũng là cửa ngõ thông ra biển gần nhất trên Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam - Lào - Đông Bắc Thái Lan. Đến nay, khu bến cảng Chân Mây đã được đầu tư xây dựng ba cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5-6 triệu tấn/năm. |