Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2008, cả nước chỉ cổ phần hoá (CPH) được 74 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bằng 25% kế hoạch và chưa bằng 50% so với số thực hiện năm 2007. Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, do số lượng DN CPH đạt thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tiếp nhận nguồn vốn nhà nước của SCIC và gián tiếp tác động đến nhiệm vụ thoái vốn, tái cơ cấu DN của SCIC. Cụ thể, năm 2008, SCIC chỉ tiếp nhận được 42 DN trong tổng số 100 DN với số vốn 400 tỷ đồng đã được lên kế hoạch chuyển giao trong năm 2008.Chính phủ đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2008 - 2010, cả nước phải CPH 948 trong tổng số 1.535 DNNN cần phải sắp xếp, chuyển đổi sở hữu. Do năm 2008, tốc độ CPH đạt quá thấp, nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh được Chính phủ đặt ra là phải đẩy mạnh cải cách DNNN, thúc đẩy thực hiện CPH các tập đoàn và tổng công ty nhà nước theo kế hoạch; tiếp tục bán số cổ phần nhà nước trong các DN đã CPH mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Đứng trước thực tế tiến độ CPH khó hoàn thành theo đúng lộ trình, tại Phiên họp thường kỳ tháng 1/2009, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 06/NQ-CP yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh việc sắp xếp, CPH các tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế, DN quy mô lớn một cách vững chắc, có hiệu quả. Trên cơ sở đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về đánh giá lại tài sản và tiền vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.Một trong những nguyên nhân khiến tốc độ CPH năm 2008 chỉ đạt 25% kế hoạch là do thị trường chứng khoán giảm mạnh, trong khi đó, theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP, mức giá bán ưu đãi cho người lao động trong DN được xác định bằng 60% mức đấu giá bình quân trên sàn giao dịch. Việc thị trường chứng khoán sụt giảm đến 70% đã tác động nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động, nhất là với người lao động phải vay vốn ngân hàng để mua cổ phiếu. Chính vì vậy, khi sửa đổi Nghị định 109/2007/NĐ-CP, quy định về bán cổ phần ưu đãi cho người lao động sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp theo hướng mở rộng ưu đãi cho người lao động cam kết tiếp tục làm việc lâu dài cho DN. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, nhằm hỗ trợ mạnh mẽ tiến trình CPH, cơ quan này sẽ tăng cường quản lý và phát triển bền vững thị trường chứng khoán theo các mục tiêu và giải pháp tại Chỉ thị 20/2008/CT-TTg, tạo kênh huy động vốn có chất lượng cao cho các công ty cổ phần."Chính phủ quyết tâm thực hiện chuyển đối, sắp xếp DNNN, trong đó CPH được coi là mục tiêu quan trọng nhất. Mặc dù thị trường chứng khoán vẫn chưa phục hồi, nhưng đợt đấu giá cổ phần lần đầu của Ngân hàng Công thương Việt Nam (ngày 25/12/2008) thành công cho thấy, nếu xác định đúng giá cổ phần chào bán vẫn có thể bảo đảm việc CPH gắn liền với thị trường chứng khoán. Các chính sách, cơ chế liên quan đến chứng khoán, thị trường chứng khoán được ban hành gần đây của Bộ Tài chính đều hướng đến việc phục hồi thị trường chứng khoán. Vì trên thực tế, điều này sẽ gián tiếp thúc đẩy tiến trình CPH", ông Ninh nói.Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, việc đưa giá trị quyền sử dụng đất và giá trị về lợi thế vị trí địa lý vào giá trị DN theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP còn bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc và chưa bảo đảm tính công bằng giữa các loại hình DN. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình CPH. Chính vì vậy, ngoài việc sửa đổi những bất cập trong Nghị định này, theo ông Ninh, về lâu dài, cần phải nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cơ chế cho phép DN trong nước, trong đó có DN CPH được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền một lần, điều chỉnh cơ chế xác định giá đất và tiền thuê đất; công bố công khai phương án quy hoạch sử dụng đất của địa phương để các DN chủ động xây dựng phương án sử dụng quỹ đất, lựa chọn hình thức giao đất hoặc thuê đất.Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nhận định, trước bối cảnh hiện nay, khi hàng loạt DN rơi vào tình trạng khó khăn, không đủ điều kiện để CPH, nếu tình hình tài chính của DN quá khó khăn, nợ xấu cao, khả năng nguồn vốn chủ sở hữu không đủ để bù đắp khi xử lý tài chính, thì mạnh dạn cho tuyên bố phá sản, tái thành lập hoặc thành lập mới DN và giao cho tập thể người lao động định đoạt số phận của DN, thay vì việc "cố gắng" CPH sẽ khiến tiến trình CPH bị chậm lại.Theo Báo Đầu tư