TIN LIÊN QUAN | |
Sức mạnh hậu cần của Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ | |
Thủ tướng gặp mặt các cựu chiến binh Điện Biên Phủ |
Như nhà sử học người Pháp Jean-Pierre Rioux từng bình luận, đây là “cuộc chiến duy nhất mà một đạo quân oai hùng châu Âu phải chịu thất bại trong suốt lịch sử phi thực dân hóa” và đó là điềm báo chủ nghĩa thực dân Pháp đang đi đến hồi kết. Chiến thắng của những người lính ông Hồ Chí Minh đã tạo được sức nặng ngàn cân trên bàn hội nghị Geneva, buộc Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là Pierre Mendès phải đặt bút ký vào Hiệp định ngày 21/07/1954 chấm dứt chiến tranh đầu tiên ở Đông Dương. Cuộc chiến đó đã kéo dài 8 năm, khiến phía Pháp thiệt mạng tới 3.420 người và 5.300 người khác bị thương, và con số này còn nhiều hơn nữa ở phía Việt Minh.
Ông Bruno Philip, tác giả bài viết đăng trên tờ Guardian Weekly, vốn là một cựu binh sĩ trong đội quân viễn chinh Pháp 64 năm trước. Trở lại chiến trường xưa, ông nhớ lại: Thời đó cánh lính đơn giản thấy địa hình Điện Biên Phủ trông giống như “lòng chảo” nên gọi là khu “lòng chảo”. Nhưng “khi chúng tôi hạ cánh xuống đường băng, ban đầu do người Pháp xây dựng và bây giờ đã được trải nhựa, ấn tượng hoàn toàn khác”. Thuở trước, ông thấy địa hình này giống một bể bơi hơn, được núi đồi bao bọc tạo thành vùng thung lũng rộng lớn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thất bại thảm hại của quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương. (Ảnh: AFP) |
Lần trở lại này, Điện Biên Phủ trước mắt ông là một thị trấn lớn, khá lộn xộn (dân cư khoảng 100.000) với những ngôi nhà dựa vào nhau ngoạn mục, nhìn ra một vài con đường dài. Nó trông giống một thủ phủ của tỉnh và nếu nhìn thoáng qua sẽ chẳng có gì gợi nhớ đến trận chiến cách đây hơn 60 năm, khi mà thung lũng này chỉ có người dân tộc Tày sống thưa thớt. Đi bộ xuống phố, Điện Biên Phủ giờ đây chẳng còn dấu hiệu của những ngọn đồi rải rác vùng đồng bằng, tạo thành một vòng thành trì được cho là để bảo vệ cứ điểm chính ở trung tâm. Người Pháp đã dựng lên các cứ điểm xung quanh và đặt cho chúng những cái tên phụ nữ rất yểu điệu như Eliane, Béatrice, Gabrielle và Huguette.
Tại Hà Nội, những người lính già Việt Minh từng tham gia trận chiến oanh liệt năm nào dường như cũng bất ngờ với hiện tượng đô thị hóa đã lan tới Điện Biên. Họ muốn Điện Biên Phủ nguyên trạng như nó vốn có và trở thành một nơi đầy ắp kỷ niệm, một bảo tàng sống về một trong những chiến công oai hùng nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Tất nhiên, ngày nay, chính quyền Việt Nam vẫn giữ lại một số địa điểm trọng yếu mang tính biểu tượng cao như đài chỉ huy Eliane 2 của tướng De Castries. Tại đây người tham quan còn thấy tàn tích của một chiếc xe tăng theo kiểu Mỹ M24 Chaffee. Tham quan các chiến hào đó người xem dường như hiểu rõ được chiến thuật của Việt Minh ra sao, thấy được quyết tâm không ngơi nghỉ của bộ đội Việt Nam trong trận chiến, điều đã dẫn đến sự thành công.
Trong bài viết của mình, cựu binh Bruno Philip nhớ lại: Khi Việt Minh phát động cuộc tấn công vào ngày 13 tháng 3, các lực lượng Pháp dưới quyền Tướng Christian de Castries đều tỏ ra khinh thường đối phương. Họ bị thuyết phục rằng với hỏa lực, không lực, pháo binh và cả các cứ điểm vững chắc của mình, họ dư sức đẩy lui Việt Minh. Cả hai bên dường như đều xác định mình phải làm chủ cuộc chiến. Người Pháp tin rằng nếu họ có thể đánh bại Việt Minh ở đây họ có thể quay trở lại Lào. Tướng Võ Nguyên Giáp, người đã tung phần lớn lực lượng vào chiến dịch, cũng nhìn thấy “lòng chảo” như một cái bẫy, nhưng là cái bẫy dành cho người Pháp.
Bruno cũng nói chuyện với một người lính già bên kia chiến tuyến tên Nguyễn Phương Nam, 84 tuổi, ở Hà Nội. Ông Nam, vốn làm công tác chính trị trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nên kể chuyện đầy tự hào: “Chúng tôi đã kéo pháo lên những ngọn đồi cao rọi xuống thung lũng, sau khi đã tháo dỡ súng thành những bộ phận nhỏ và vận chuyển bằng bè vào chiến dịch. Đó là một công việc khó khăn vô cùng, phải xuyên rừng, vượt thác. Nhưng chúng tôi đã làm được điều đó, bởi vì chúng tôi muốn độc lập. Chúng tôi chủ yếu là một lực lượng của những người lính nông dân và chúng tôi biết rằng chiến thắng sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Những lực lượng như thế người Pháp làm sao lường được”.
Vì vậy mà 5 giờ chiều ngày 13 tháng 3, những khẩu súng Việt Minh đã khai hỏa nhắm vào Béatrice - vốn là một cứ điểm hợp thành từ ba gò riêng biệt. Các vị trí quan trọng lần lượt rơi vào tay Việt Minh. Đến nửa đêm, Béatrice hoàn toàn thất thủ. Người Pháp bất ngờ thật sự. Họ không thể ngờ Việt Minh có thể có hỏa lực mạnh như thế, phần lớn do Trung Quốc và Liên Xô tài trợ. Họ có 20 súng 105mm, 24 súng 75mm, súng cối hạng nặng và súng phòng không. Thêm vào đó, Tướng Giáp tung ra chiến dịch 30 tiểu đoàn thường xuyên - khoảng 40.000 quân – chưa kể các lực lượng hậu cần và tình nguyện. Người Pháp có một số đơn vị bộ binh và lính dù, một số thuộc Quân đoàn nước ngoài, tất cả khoảng 15.700 quân, đa số họ đến từ Bắc Phi hoặc Tây Phi.
Tham quan những công sự đã được xây dựng lại của Béatrice ngày nay, người ta có thể dễ dàng mường tượng được nỗi sợ hãi của đám lính lê dương cầm cự, núp sau công sự khi đạn pháo đổ trên đầu. Vào giữa tháng Ba, tình hình đã xấu hơn khi Tướng René Cogny, chỉ huy lực lượng Pháp tại miền Bắc Việt Nam, cảnh báo Tướng Henri Navarre, lãnh đạo lực lượng viễn chinh rằng “Điện Biên Phủ có thể thất thủ vào đêm hôm sau”. Nhưng Tướng Giáp, đội quân của ông đã phải chịu thương vong nặng nề trong các cuộc tấn công vào các cứ điểm của Pháp, đã quyết định dừng lại. Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 3, “trận chiến năm ngọn đồi” lại bắt đầu. Từng cứ điểm một - Huguette, Dominique và Claudine - lần lượt thất thủ, chỉ còn lại Eliane, căn cứ điểm chỉ huy của Tướng De Castries. Vở kịch chỉ hạ màn khi Tướng De Castries phất cờ trắng đầu hàng.
Người Việt Nam ngày nay đã tập trung nhiều nỗ lực kỷ niệm chiến thắng ở nơi này. Ngoài một bảo tàng mới mở cửa vào ngày 7 tháng 5 năm 2014, tất cả mọi người thường chỉ thấy những lá cờ. Nhưng tại Eliane 2, khách du lịch có thể tham quan cứ điểm và cả xác chiếc xe tăng kiểu M24 Chaffee của Mỹ, giờ đây đã được đặt trong tủ kính. Nói chung, đứng ở đây người ta mới ngỡ ngàng sao những chiến hào của hai phe tham chiến lại gần nhau đến thế.
Bruno cho biết: “Tại Hà Nội, một cựu binh khác, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Dũng Chi, đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của ông bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo”. Ông Chi kể lại: “Tôi đã ở trong công sự gần lính Pháp nhất. Tôi luôn ở tiền tuyến. Vào ngày 30 tháng 3, chúng tôi đã thất bại trong việc khuất phục cứ điểm Eliane. Chúng tôi đã mắc phải những sai lầm về chiến thuật. Vào ngày 6 và 7 tháng 5, chúng tôi quyết định chiếm giữ các vị trí ở hai cánh và ở phía sau. Cuộc tấn công kết thúc trong trận chiến giáp lá cà... Chúng tôi có thể không trông thấy gì, chúng tôi chỉ cố gắng di chuyển về phía trước, nhảy từ công sự này sang công sự kia, bước qua xác của những người lính khác cho tới khi thấy tướng Pháp phất cờ đầu hàng. Trong hàng ngũ của chúng tôi, mọi người đôi khi cũng bị mất tinh thần, nhưng rất ít”.
Tất cả đã kết thúc. Việt Minh đã chiến thắng. Ông Chi, một người già dí dỏm, nhớ lại những giờ phút đầu tiên của chiến thắng. Mặc dù không phải là người đầu tiên bước vào hầm De Castries, nhưng ông đã nhìn thấy nó ngay sau khi người Pháp đầu hàng. Ông giải thích: “Điện Biên Phủ ngưng tiếng súng. Tôi đã gặp Geneviève de Galard, “thiên thần của Điện Biên Phủ”. Đó là một nữ y tá đã tận tình chăm sóc những người bị thương". Ông Chi kể: “Tôi đi về phía cô ấy. Cô giơ tay lên và nói: “Đừng bắn!” Tôi hỏi cô ấy phòng chỉ huy ở đâu, cô ấy ra dấu hiệu bằng tay: ‘Ở đằng kia.’ Tôi đã đi xem, nhưng nó trống trơn. Trên bàn chung, tôi tìm thấy một tập bản đồ mở tại trang có đất nước Liên Xô, một cây bút Parker và một con dao của lính dù”. Ông cười khi kể lại với Bruno: “Tôi đã lấy con dao và cây bút làm kỷ niệm.”
Mặc dù các câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ đã được kể nhiều trên khắp các mặt báo, trong đó có cả những bức ảnh bộ đội Việt Nam phất cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm De Castries, nhưng Bruno nói rằng một nhà báo nói tiếng Pháp, người đã phối hợp viết cuốn sách “Dien Bien Phu: Vu d’en Face”, lại nói rằng cảnh quân đội Việt Nam phất cờ trên nóc hầm chỉ huy không hẳn diễn ra như vậy. Cảnh tượng này là biểu tượng chiến thắng thuộc địa của Việt Nam.
Tất nhiên đã có những tranh cãi, nhưng ông Chi tự tin khẳng định rằng: “Khi tiếng súng ngưng, tôi đã thấy những người lính Pháp ở đây và ở kia vẫy những chiếc khăn màu trắng”.
Cựu chiến binh Nga - Việt vùng Ural kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ Trên tinh thần “ Uống nước nhớ nguồn ” nhằm nâng cao tinh thần yêu nước của thanh niên và thắt chặt hơn nữa quan ... |
Có một “thời hoa lửa”... Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua 63 năm nhưng những hồi tưởng của một người lính Điện Biên năm xưa vẫn đầy cảm ... |
Miền đất truyền cảm hứng Điện Biên Phủ là mốc dấu khẳng định ý chí, sức mạnh của dân tộc, xứng đáng là sự kiện lịch sử lớn có thể ... |