📞

Thúc đẩy giao thương với trung tâm kinh tế đầu tàu của Pakistan

Hà Quang 06:30 | 09/11/2023
Ngày 04/11, Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Tiên Phong đã có chuyến thăm, làm việc tại thành phố Sialkot, một trong những trung tâm sản xuất dụng cụ y tế xuất khẩu lớn nhất của Pakistan.
Sialkot là thành phố đầu tàu về sản xuất hàng xuất khẩu của Pakistan.

Sialkot là một trong những trung tâm kinh tế khu vực miền Đông Bắc Pakistan, là thành phố “đầu tàu” về sản xuất hàng xuất khẩu với hàng chục nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu dụng cụ y tế, thể thao, da giầy, du lịch,.. Sialkot cũng được coi là “thủ phủ” sản xuất dụng cụ, trang phục thể thao (chiếm 70% thị phần xuất khẩu bóng đá trên toàn cầu) và các sản phẩm đồ da, dụng cụ phẫu thuật chất lượng hàng đầu thế giới, giá cả cạnh tranh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Sialkot, Đại sứ Nguyễn Tiên Phong cùng cán bộ Thương vụ Việt Nam tại Karachi và Bộ phận Ngoại giao Kinh tế của Đại sứ quán đã có cuộc gặp với Chủ tịch Liên đoàn các phòng Công nghiệp và Thương mại Tp. Sialkot (SCCI), ông Abdul Ghafoor Malik và các doanh nghiệp thành viên.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo SCCI đã giới thiệu tóm tắt thế mạnh, tiềm năng của các ngành công nghiệp tại Sialkot và khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên với Đại sứ, đồng thời mong muốn hai bên nỗ lực thúc đẩy việc nới lỏng thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi đoàn thương mại song phương nhằm tăng cường sự tương tác trong khu vực tư nhân; tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và thương mại số để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, đồng thời giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối với khách hàng và đối tác tiềm năng.

Đại sứ Nguyễn Tiên Phong mong muốn đẩy mạnh khai thác và khám phá tiềm năng rất lớn không những với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Punjab mà còn đối với thị trường 330 triệu người tiêu dùng của cả hai nước.

Đại sứ Nguyễn Tiên Phong nhấn mạnh để có thể đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên, điều quan trọng là phải có các hoạt động giao lưu, nâng cao nhận thức, hiểu biết lẫn nhau về lịch sử, văn hóa, con người mà còn các về luật pháp, pháp luật của mỗi nước, cũng như luật pháp quốc tế trong kinh doanh thương mại.

Đại sứ mong muốn đẩy mạnh khai thác và khám phá tiềm năng rất lớn không những với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Punjab mà còn đối với thị trường 330 triệu người tiêu dùng của cả hai nước. Bên cạnh hợp tác kinh tế thương mại, các biện pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi đoàn doanh nghiệp hai nước cũng được hai bên trao đổi tại buổi làm việc.

Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp sở tại, Đại sứ cũng chia sẻ thông tin về e-visa, chính sách thị thực mới của Chính Phủ Việt Nam, vai trò, tầm quan trọng, tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của hai bên, lực lượng đóng góp tới 50% vào GDP và tạo ra 70% công ăn việc làm cho người lao động.

Đại sứ đề xuất việc thành lập hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực có thế mạnh, tận dụng lợi thế GSP+ mà Pakistan đang được hưởng và EVFTA mà Việt Nam đã ký kết, tập trung khai thác các cơ chế sẵn có như Tiểu ban Thương mại Việt Nam - Pakistan (dự kiến được tổ chức 01/2024) làm nền tảng đẩy mạnh đàm phán ký kết Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA). Đồng thời Đại sứ cũng đưa ra một số biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư trong đó tập trung vào thiết lập ký kết các thỏa thuận hợp tác đối tác giữa doanh nghiệp hai bên.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Sialkot, Đại sứ Nguyễn Tiên Phong và đoàn công tác của Đại sứ quán đã có các cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp sở tại.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Sialkot, Đại sứ Nguyễn Tiên Phong và đoàn công tác của Đại sứ quán đã có các cuộc làm việc với Hiệp hội sản xuất dụng cụ y tế toàn Pakistan (SIMAP) - đại diện cho 3.900 công ty thành viên với hơn 150.000 công nhân và gặp các doanh nghiệp sản xuất hàng thể thao xuất khẩu. Tại các buổi làm việc, hai bên trao đổi về thông tin, tiềm năng có thể hợp tác, đồng thời giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của doanh nghiệp sở tại muốn mở rộng hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam.