Nhỏ Bình thường Lớn

Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam

Việt Nam sở hữu 2 điểm thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, đó là nắng và gió, những nguồn tài nguyên vô tận mà nhiều nước không có được.
Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Các đại biểu tham gia trao đổi tại phiên thảo luận với chủ đề: "Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng". PGS. TS. Từ Thúy Anh, Tổng biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Đại học Ngoại thương (ngoài cùng bên trái) điều hành phiên thảo luận. (Ảnh: Anh Sơn)

Chiều 15/12, tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp, các diễn giả cùng tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng”.

Tọa đàm do Bộ Ngoại giao tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 và Hội nghị Ngoại vụ 21, là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động nhân dịp 2 hội nghị này.

Phiên thảo luận có sự tham gia điều hành của PGS. TS. Từ Thúy Anh, Tổng biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Đại học Ngoại thương và các diễn giả gồm: Ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Anh; ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ; ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT và ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Phát biểu dẫn đề, TS. Từ Thúy Anh nhận định, thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng rất quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để có thể phát triển đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi năng lượng, Việt Nam cần tăng cường đầu tư, hợp tác quốc tế.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ. (Ảnh: Anh Sơn)

Tại phiên thảo luận, các diễn giả cùng trao đổi, đánh giá thực chất cơ hội và thách thức của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng; từ đó khuyến nghị các đề xuất giải pháp, kiến nghị để gặt hái thành công trong lĩnh vực này.

Phát biểu mở màn phiên thảo luận, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ đặt câu hỏi, nếu so sánh với các quốc gia đang phát triển, Việt Nam có cơ hội và thách thức gì trong thu hút đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng?

Theo ông Tuấn, cơ hội là cam kết của Chính phủ Việt Nam rất cao, khát vọng của người dân, doanh nghiệp cũng rất cao. Hơn nữa, bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), cơ hội gần như là như nhau đối với các nước, có xuất phát điểm tương đồng.

Tuy nhiên, thách thức lớn là Việt Nam cần nền tảng để xây dựng cơ sở hạ tầng AI, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Anh cho biết, các nước đang hướng đến cuộc cách mạng xanh, được áp dụng trong mọi mặt đời sống, từ kinh tế đến văn hóa xã hội như: tài chính xanh, công nghệ xanh, vận tải xanh…

Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Anh. (Ảnh: Anh Sơn)

Về năng lượng xanh, ông Long dẫn chứng, nước Anh cách đây 10 năm điện than chiến 40%, đến nay chỉ còn 1%, do đã chuyển sang dùng năng lượng điện gió ngoài khơi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gây ấn tượng với công bố cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đặt mục tiêu tổng lượng phát thải quốc gia giảm 43,5% vào năm 2030, và không phát thải carbon vào năm 2050.

Và với vai trò tiên phong trong việc tạo ra các chính sách phát triển bền vững, Chính phủ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam có động lực và cơ sở rõ ràng hơn trong nỗ lực đạt được các cam kết liên quan đến mục tiêu đầu tư bền vững ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp). Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Vì vậy, theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, để phát triển năng lượng tái tạo, cần tài chính, công nghệ, đào tạo và pháp luật, trong đó vấn đề lớn nhất là thể chế để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp.

Đại sứ cũng chỉ ra 2 điểm thuận lợi cho Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, đó là nắng và gió – những nguồn tài nguyên vô tận mà nhiều nước không có được.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. (Ảnh: Anh Sơn)

Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ, trong suốt 10 năm đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn, các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là chỗ dựa và luôn hỗ trợ rất lớn cho FPT.

Ông Khoa cũng nhấn mạnh, trong số các nguồn lực, trí tuệ là nguồn lực vô hạn và Việt Nam có thể khai thác những nguồn lực vô hạn này. Lấy ví dụ, trong năm 2023, doanh thu của các công ty công nghệ Việt Nam ở Nhật Bản đạt hơn 1 tỷ USD, trong khi Nhật bỏ ra 30 tỷ USD cho nhu cầu công nghệ, đây là một trong những cơ hội cho các công ty công nghệ Việt Nam có thể khai thác.

Cho rằng, các công ty Việt Nam khi đầu tư vào thị trường nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn, thách thức vì sự khác biệt địa bàn, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nhấn mạnh, để thành công, các doanh nghiệp phải biết đối mặt, đổi mới sáng tạo, tận dụng các thách thức để chuyển đổi thành cơ hội.

Ông cũng gửi gắm mong muốn Chính phủ, các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài xem doanh nghiệp là đối tác của mình, từ đó có thể tạo ra các cơ chế hợp tác mang lại hiệu quả cao nhất, hướng đến sự thành công với mục tiêu chung.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia. (Ảnh: Anh Sơn)

Về phần mình, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia chia sẻ, Việt Nam đang có nhiều cơ hội, nhiều kỳ vọng trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn.

“Các doanh nghiệp nước ngoài kỳ vọng vào Việt Nam với môi trường tốt để phát triển đổi mới sáng tạo bởi lẽ chưa bao giờ Việt Nam có phản ứng chính sách nhanh như giai đoạn hiện nay. Chúng ta chỉnh sửa các luật, các cấp lãnh đạo yêu cầu vướng đâu sửa đấy, cho phép áp dụng cơ chế thử nghiệm… Lần đầu tiên đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ cao được cập nhật trong Luật Đầu tư”, ông Đỗ Tiến Thịnh nhấn mạnh.

Ông Thịnh cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á. Việt Nam đứng số 40-42/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo, đạt ngưỡng của các nước phát triển.

Vì vậy, theo Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, hợp tác đầu tư công nghệ cao rất có tiềm năng và các doanh nghiệp nước ngoài muốn Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi công nghệ cao. Ông Thịnh kỳ vọng các Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: Anh Sơn)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, Tập đoàn nhận thức rõ vai trò của doanh nghiệp trong phát triển năng lượng mới, năng lượng sạch theo định hướng của Nhà nước, đáp ứng cam kết của Chính phủ tại COP26.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chỉ rõ các thách thức của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là việc thiếu nguồn vốn. Dù vậy, theo ông, thiếu vốn cũng chính là cơ hội để thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Do đó, ông Hùng mong muốn các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài, đặc biệt là các đối tác có nền khoa học phát triển như các nước G7.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Các đại biểu dự Tọa đàm. (Ảnh: Anh Sơn)
Đại sứ và doanh nghiệp bàn giải pháp khắc phục thách thức, tận dụng cơ hội, hội nhập thành công

Đại sứ và doanh nghiệp bàn giải pháp khắc phục thách thức, tận dụng cơ hội, hội nhập thành công

Để hóa giải khó khăn, tận dụng cơ hội, bên cạnh sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, Cơ quan đại ...

Khai mạc Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp

Khai mạc Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp

Chiều 15/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, Bộ Ngoại giao ...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm việc với đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm việc với đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chỉ ra nhiệm vụ của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ trong thời ...

Sắp diễn ra Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp

Sắp diễn ra Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp

Tại Tọa đàm, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ chia sẻ xu hướng mới về đầu tư, đổi mới ...

Thị trường Trung Đông-Bắc Phi: ‘Chào hàng’ sao cho hấp dẫn

Thị trường Trung Đông-Bắc Phi: ‘Chào hàng’ sao cho hấp dẫn

Có thể nói, chưa khi nào thị trường Trung Đông - Bắc Phi được Lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ...