Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung và Phó Thị trưởng Phòng Thành Cảng Vương Liệt Quân. |
Chiều ngày 4/8, tại trụ sở Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung đã tiếp ông Vương Liệt Quân, Thường vụ Thành ủy, Phó Thị trưởng TP. Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc, và có cuộc trao đổi sâu rộng về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Phòng Thành Cảng với các địa phương Việt Nam thời gian tới, nhất là với tỉnh Quảng Ninh.
Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban ngành chủ yếu của TP Phòng Thành Cảng.
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung khẳng định, thời gian qua, quan hệ Việt-Trung về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực. Trao đổi cấp cao được duy trì với với tần suất cao, hình thức linh hoạt. Giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa các Bộ ngành và địa phương hai nước được triển khai thường xuyên.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6%. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc 6 tháng đầu năm đạt 55,99 tỷ USD, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt mức 110,5 tỷ USD.
Giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước luôn là điểm sáng trong hợp tác toàn diện giữa hai nước. Các địa phương Việt Nam rất coi trọng hợp tác với Quảng Tây nói chung và đặc biệt là những địa phương có biên giới với Việt Nam như Phòng Thành Cảng, Sùng Tả, Bách Sắc...
Để thấu hiểu lẫn nhau, củng cố cơ sở dân ý, làm nền tảng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa các địa phương, nhất là các địa phương giáp biên giới có vai trò rất quan trọng.
Quảng Tây luôn là địa phương có vị trí chiến lược, tiêu biểu trong hợp tác với Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Nam Ninh, 6 tháng đầu năm 2022, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch, song kim ngạch thương mại hai bên vẫn đạt mức 59,2 tỷ NDT (khoảng 9,25 tỷ USD). Trong đó, Quảng Tây xuất khẩu 46,3 tỷ NDT (khoảng 7,2 tỷ USD), nhập khẩu 12,8 tỷ NDT (khoảng 02 tỷ USD).
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung đề nghị, trong nửa cuối năm, Phòng Thành Cảng với vai trò là địa phương có các cửa khẩu quốc tế quan trọng thông thương hàng hóa với Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy các biện pháp tiện lợi hóa thông quan để góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai bên, giữ vững vai trò của Quảng Tây như một đối tác thương mại hàng đầu với Việt Nam trong số các địa phương của Trung Quốc, đóng góp thiết thực cho tổng thể thương mại Việt-Trung.
Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung và Bí thư Thành ủy Phòng Thành Cảng Đàm Phi Sáng. |
Phó Thị trưởng Vương Liệt Quân khẳng định, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Quảng Tây cũng là một trong những địa phương của Trung Quốc có kim ngạch thương mại cao nhất với Việt Nam. Năm 2021, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây với các địa phương Việt Nam vẫn đạt 31,3 tỷ USD, tăng 13,7%.
Phòng Thành Cảng đang trao đổi với tỉnh Quảng Ninh về việc chuyển lô vật tư phòng chống dịch hỗ trợ Quảng Ninh với trị giá khoảng 200.000 Nhân dân tệ (680 triệu VND), mong phía Việt Nam nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để tiếp nhận, đóng góp cho công tác phòng chống dịch của Quảng Ninh.
Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung và Thị trưởng Đông Hưng Lý Kiện. |
Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa TP. Phòng Thành Cảng với các địa phương thời gian tới, đặc biệt trên các lĩnh vực mà Phòng Thành Cảng có thế mạnh và các có thể chia sẻ lợi ích chung với các địa phương Việt Nam như bảo đảm thông thương biên giới thông suốt tại các cửa khẩu với Quảng Ninh, nhất là hướng Móng Cái, bảo đảm chuỗi cung ứng thông suốt.
Phối hợp quản lý, gìn giữ đường biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển; đẩy mạnh hợp tác về y dược, giáo dục; khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực của Phòng Thành Cảng đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh.
Tận dụng hơn nữa lợi thế của tuyến đường sắt Khu Phòng Thành - Đông Hưng đang xây dựng để tăng cường xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu với Quảng Ninh; tạo điều kiện cho người Việt Nam tại Phòng Thành Cảng, nhất là các “cô dâu Việt Nam” được an cư, lạc nghiệp, phát triển...
Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung và Phó Chủ tịch Quảng Tây Lý Bân tại Diễn đàn hợp tác dược phẩm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 6. |
Trước đó, Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung đã có chuyến thăm, làm việc tại TP. Phòng Thành Cảng và TP. Đông Hưng (trực thuộc Phòng Thành Cảng), khảo sát tình hình thông quan biên giới tại cửa khẩu Đông Hưng-Móng Cái; hội kiến Bí thư Thành ủy Phòng Thành Cảng Đàm Phi Sáng và Thị trưởng Đông Hưng Lý Kiện, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai bên; dự Diễn đàn cấp cao về hợp tác dược phẩm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 6 tại Phòng Thành Cảng.
Là thành phố cốt lõi trong Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây, Phòng Thành Cảng có khu thí điểm cải cách tài chính toàn diện dọc biên giới, khu thí điểm mở và phát triển trọng điểm quốc gia Đông Hưng, Khu hợp tác kinh tế cửa khẩu Đông Hưng. Từ năm 2016, thành phố được chọn làm một trong những khu vực thí điểm toàn diện để xây dựng hệ thống kinh tế mở mới ở Trung Quốc, có tầm quan trọng đặc biệt trong Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, GDP của Phòng Thành Cảng năm 2021 đạt 81,588 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12,1 tỷ USD), tăng 9,4% so với năm trước, là mức tăng cao nhất trong các địa phương của Quảng Tây. Thành phố Đông Hưng trực thuộc Phòng Thành Cảng là nơi có các cửa khẩu quốc tế giao thương trọng điểm với Móng Cái, Quảng Ninh của Việt Nam. Tính đến hết 30/6/2022, tổng trọng lượng hàng hóa qua các cửa khẩu tại Móng Cái đạt trên 270.000 tấn; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 1.400 triệu USD, thu hút 128 doanh nghiệp mới, nâng tổng số doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu lên 455 doanh nghiệp. Trong những tháng cuối năm 2022, thành phố Móng Cái tiếp tục duy trì việc trao đổi, hội đàm với chính quyền thành phố Đông Hưng, Phòng Thành Cảng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo niềm tin, tăng cường hợp tác trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên, đảm bảo việc thông quan hàng hóa được thuận lợi hơn. |