📞

Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân giữa Việt Nam và IAEA

Văn An 10:31 | 23/07/2021
Ngày 22/7, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thăm và làm việc tại Tổ hợp nghiên cứu về ứng dụng công nghệ hạt nhân, đặt tại Seibersdorf, Cộng hòa Áo (Tổ hợp Seibersdorf).
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên thăm và làm việc tại Tổ hợp nghiên cứu về ứng dụng công nghệ hạt nhân, đặt tại Seibersdorf.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đã làm việc với 4/8 phòng thí nghiệm thuộc Tổ hợp Seibersdorf, trực tiếp tham quan một số ứng dụng kỹ thuật hạt nhân như quá trình thực hiện xét nghiệm RT-PCR để xác định virus SARS-CoV-2.

Đại sứ Việt Nam cũng tới thăm phòng lưu niệm, nơi lưu giữ viên gạch tượng trưng cho sự đóng góp của Việt Nam vào tiến trình nâng cấp Tổ hợp Seibersdorf, đã được Đại sứ Lê Dũng trao cho Lãnh đạo IAEA vào tháng 6/2019.

Phát biểu trong trao đổi với Lãnh đạo Tổ hợp Seibersdorf, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên bày tỏ cảm ơn IAEA đã hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng của Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật (TC) và Chương trình hợp tác nghiên cứu (CPRs).

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình ứng dụng công nghệ hạt nhân vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên tham quan quy trình xét nghiệm RT-PCR.

Ông Ike Reed, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc IAEA phụ trách ứng dụng công nghệ hạt nhân đã trình bày về quá trình xây dựng và phát triển Tổ hợp Seibersdorf cũng như kế hoạch cải tạo và mở rộng tổ hợp nghiên cứu này.

Nhân dịp này, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc IAEA bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã đóng góp vào khoản ngân sách bổ sung, tạo điều kiện để nâng cấp Tổ hợp Seibersdorf.

Đại diện IAEA cũng cho biết hiện Việt Nam và IAEA đang triển khai trên 60 dự án về ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau. IAEA mong muốn Việt Nam tiếp tục phối hợp để thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác mới thuộc khuôn khổ TC và CPRs, cũng như trong khuôn khổ các sáng kiến của Tổng Giám đốc IAEA về ứng dụng công nghệ hạt nhân vào ngăn chặn dịch bệnh và giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Tổ hợp Seibersdorf là một trong ba trung tâm nghiên cứu quan trọng của IAEA. Cơ sở này bao gồm 8 phòng thí nghiệm, có chức năng nghiên cứu, phát triển công nghệ hạt nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, phân tích và ứng dụng vào điều trị y tế và ứng phó với ô nhiễm môi trường.

Tổ hợp Seibersdorf đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới các phòng thí nghiệm về ứng dụng công nghệ hạt nhân trên thế giới, kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu thuộc các nước thành viên IAEA.

Đây cũng là nơi tổ chức hàng loạt các khóa đào tạo về khoa học hạt nhân, giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm việc trong các lĩnh vực có liên quan.

(theo ĐSQ Việt Nam tại Áo)