Đại biểu tham dự phiên khai mạc. |
Là diễn đàn thường niên, Đối thoại New Delhi giữa ASEAN - Ấn Độ lần thứ 6 với chủ đề “Thực hiện Tầm nhìn ASEAN - Ấn Độ về Đối tác và Thịnh vượng” diễn ra tại New Delhi từ 6-7/3. Hội nghị đã thảo luận toàn diện về các biện pháp thực hiện Tầm nhìn và tiến trình tương lai của Đối thoại theo tinh thần của Tuyên bố Tầm nhìn được thông qua tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ tháng 12/2012.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu Đoàn Việt Nam đã cùng đại diện chính phủ, các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và giới chuyên gia các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ tham dự Diễn đàn.
Từ Tầm nhìn
Tăng cường quan hệ với ASEAN là trọng tâm chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ được ban hành năm 1991.
Từ Đối tác đối thoại theo ngành vào năm 1992 đến Đối tác đối thoại toàn diện năm 1995, mối quan hệ ASEAN và Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng. Việc ASEAN và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược và hai bên thông qua Tuyên bố Tầm nhìn vào năm 2012 đã đánh dấu một lộ trình phát triển quan trọng, hướng tới mối quan hệ đối tác bền vững vì hòa bình và thịnh vượng. Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN - Ấn Độ được đánh giá là chứa đựng nhiều nội dung hợp tác toàn diện, từ kinh tế đến chính trị, an ninh, hợp tác văn hóa - xã hội và phát triển, tăng cường kết nối, và xây dựng cấu trúc khu vực.
Từ mối quan hệ chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế, Đối tác ASEAN - Ấn Độ đã phát triển thành một trong những đối tác phát triển nhanh nhất, năng động và toàn diện nhất của ASEAN. Hiện ASEAN và Ấn Độ có 26 cơ chế đối thoại thường xuyên trên nhiều lĩnh vực. Ba năm qua, ASEAN và Ấn Độ đã tổ chức hơn 60 cuộc họp, các sự kiện cũng như thực hiện một số sáng kiến theo Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2010-2015. Ấn Độ đã hoàn tất thủ tục ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) về dịch vụ và đầu tư với ASEAN và đang chờ các nước thành viên ASEAN hoàn tất tiến trình này.
Đến hiện thực hóa
Trong hai ngày đối thoại, các đại biểu đã đề xuất, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về các bước hiện thực hóa Tầm nhìn. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nêu rõ hai bên cần tận dụng tất cả cơ chế hợp tác hiện có để thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn, trong đó tăng cường sự kết nối là cần thiết cho sự phát triển kinh tế và hội nhập khu vực. Về phía Ấn Độ, các quan chức cũng như học giả nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác giữa khu vực đông bắc Ấn Độ với ASEAN.
Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Ngoại giao (Học viện Ngoại giao Việt Nam), ngoài việc tăng cường kết nối hạ tầng, hai bên cần sớm đàm phán ký kết Hiệp định về đầu tư và dịch vụ sau khi đã ký FTA đối với hàng hóa. Bên cạnh đó, Ấn Độ cần giúp đào tạo nguồn nhân lực của ASEAN, đặc biệt là tiếng Anh, quản lý và lãnh đạo, lãnh đạo doanh nghiệp, đào tạo đại học và sau đại học và trong lĩnh vực công nghệ thông tin…
Điểm xuyên suốt trong các đề xuất hiện thực hóa Tầm nhìn là bên cạnh tăng cường kết nối về hạ tầng, thể chế, các đại biểu thống nhất cho rằng kết nối giữa người dân chính là “linh hồn”, là “ưu tiên chiến lược” trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Đặc sắc Kênh 1,5
Qua sáu kỳ tổ chức, Đối thoại New Delhi xác định rằng bên cạnh các quan chức, sự tham gia của các học giả, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách cũng như truyền thông (được gọi bằng thuật ngữ Kênh 1,5) trở thành đặc trưng quan trọng của Diễn đàn. Theo ông Tuấn, Kênh 1,5 là kênh quan trọng giúp các bên cùng nêu và trao đổi về hướng đi và các ý tưởng hợp tác bởi ít bị gò bó do các lập trường chính thống.
Đối với các học giả, hình thức đối thoại này giúp họ nắm bắt được quan tâm của các chính phủ, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách sát với tình hình thực tế hơn, đồng thời phản biện lại các chính sách đã thông qua hoặc đang trong quá trình định hình. Ngược lại, các nhà hoạch định chính sách có thể nắm bắt được các ý tưởng mới trong việc xây dựng và triển khai chính sách với một tầm nhìn dài hạn, có chiều sâu và toàn diện hơn.
VÂN HỒ (từ New Delhi)