📞

Thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore

18:46 | 09/08/2015
Sáng 9/8, tại Singapore đã diễn ra cuộc Tọa đàm bàn tròn giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Singapore do Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore dẫn đầu. Sự kiện diễn ra nhân chuyến thăm và dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh Singapore của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cuộc Tọa đàm bàn tròn giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Singapore. (Ảnh: Nhật Bắc)

Cùng dự cuộc Tọa đàm còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh …

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chúc mừng những thành tựu to lớn và toàn diện mà Singapore đạt được thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam và Singapore phát triển rất tốt đẹp. Hai bên hiện là đối tác chiến lược của nhau, có sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau; có cam kết và trên thực tế đã có hai nền kinh tế kết nối với nhau để đem lại lợi ích cho cả hai bên. Singapore luôn là một trong đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam và Singapore hiện là hai thành viên tích cực trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, là hai nước dẫn đầu trong thực hiện các cam kết xây dựng Cộng đồng và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hai bên cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP. Đề cập đến các Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) ở Việt Nam, trong đó có việc hai nước sắp sửa khởi công xây dựng khu thứ 7 tại Nghệ An, Thủ tướng cho rằng, mô hình này đã chứng tỏ là “có sức sống” và đang phát triển tích cực.

Các doanh nghiệp hàng đầu Singapore chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh Nhật Bắc)

Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định: “Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Singapore rất lớn và chúng ta còn có thể làm được nhiều hơn”. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường hết sức rộng lớn và phong phú, có rất nhiều điều kiện thuận lợi, có tiềm năng và lợi thế rất lớn cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại. Việt Nam là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, là thành viên của ASEAN, có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế. Dân số Việt Nam hiện nay khoảng trên 90 triệu người, mức tăng dân số trung bình hàng năm khoảng 1 triệu người, trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có dân số 100 triệu dân, cơ cấu dân số của Việt Nam là trẻ, cơ cấu dân số vàng; giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước trong ASEAN và trong khu vực châu Á Thái Bình Dương; sức mua của nền kinh tế ngày càng tăng, với GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 2.200 USD (tính theo ngang giá sức mua PPP đạt trên 5.600 USD).

Thông báo một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hiện là một nền kinh tế mở, một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có 103 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với hơn 17.000 dự án và tổng số vốn đăng ký 260 tỷ USD. Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và đang đàm phán ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao. Việc tham gia và thực hiện các Hiệp định FTA đang mở ra quan hệ thương mại tự do của Việt Nam với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20, từ đó, sẽ thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó tập trung: 1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các thể chế kinh tế tương thích với với thông lệ, môi trường đầu tư, kinh doanh của khu vực và quốc tế; quyết liệt phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh ngang mức bình quân ASEAN-6 ngay trong năm 2015 và ASEAN-4 trong năm 2016; 2) Tái cơ cấu đầu tư công; 3) Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính; 4) Tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước; và 5) Tập trung tái cơ cấu các ngành kinh tế.

“Là nền kinh tế có sức cạnh tranh và môi trường đầu tư hấp dẫn, chúng tôi hy vọng quan hệ kinh tế Việt Nam –Singapore ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nói.

Trong bài phát biểu của mình, ông Teo Siong Seng, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore bày tỏ niềm vinh dự được gặp gỡ và trực tiếp được trao đổi với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và cho biết, Việt Nam và Singapore đã có mối quan hệ tốt đẹp trong 40 năm qua. Thời gian qua, hai nước đã tăng cường trao đổi các chuyến thăm, quan hệ thương mại, đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cũng theo ông Teo S.S, khảo sát mà Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tiến hành trong giai đoạn 2014-2015 cho thấy, 97% công ty thành viên của Liên đoàn có hoạt động đầu tư kinh doanh ở châu Á đã xếp Việt Nam là thị trường tiềm năng lớn thứ 4 và mong muốn tăng cường đầu tư làm ăn tại Việt Nam”, ông nói. Ông cho biết, Liên đoàn với 41.000 công ty thành viên sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nhằm kết nối hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

“Có nhiều công ty của Singapore đã hoạt động ở Việt Nam từ lâu. Chúng tôi cũng đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động kinh doanh đầu tư của các công ty Việt Nam ở Singapore. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở thị trường Singapore. Cuộc đối thoại này là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Singapore để tìm hiểu nhiều hơn về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và chia sẻ những suy nghĩ cũng như kinh nghiệm khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Teo S.S nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo của các tập đoàn tại Singapore. (Ảnh: Nhật Bắc)

Trước sự quan tâm của các nhà đầu tư Singapore về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ Logistic, dịch vụ tài chính, năng lượng, phát triển hệ thống các khu công nghiệp, vận tải biển, xây dựng cơ sở hạ tầng,… Thủ tướng cho rằng, đây là những lĩnh vực được Việt Nam rất coi trọng và có tiềm năng hợp tác rất lớn, được Việt Nam và Singapore tập trung thúc đẩy trong tiến trình kết nối hai nền kinh tế.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư; hy vọng các nhà đầu tư đẩy nhanh triển khai các dự án đã được cấp phép và nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi ch các nhà đầu tư Singapore tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại và làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành của Việt Nam sẽ xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất cụ thể của các nhà đầu tư Singapore đã cập tại cuộc Tọa đàm hết sức bổ ích và hiệu quả ngày hôm nay”, Thủ tướng nói.

*Cũng trong sáng nay 9/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Singapore như: Sembcorp, Ascendas, Banyan Tree, Ngân hàng UOB.

Nguyễn Kim (từ Singapore)