📞

Tiềm năng còn lâu mới cạn kiệt, kinh tế Trung Quốc bắt kịp Mỹ - xu thế không thể đảo ngược?

Minh Anh 13:29 | 07/03/2023
Kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 5% trong năm 2023 - tại sao lại đặt mục tiêu thấp nhất trong hàng chục năm qua, dù tiềm năng phát triển của Bắc Kinh được đánh giá "đang trong giai đoạn giải phóng liên tục, còn lâu mới cạn kiệt"?

Tờ Global Times bình luận, năm ngoái, chỉ là do nhiều nguyên nhân tạm thời, mức tăng GDP thực tế của Mỹ mới lớn hơn của Trung Quốc một chút.

Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ một cách tự nhiên?

Kéo dài trong khá nhiều năm qua, dù luôn có những yếu tố bất lợi, nhưng không chỉ tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vượt Mỹ, mà mức tăng thực tế của nền kinh tế cũng lớn hơn Mỹ.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 3%, cao hơn mức 2,1% của Mỹ, nhưng mức tăng GDP thực tế của Mỹ đã vượt qua Trung Quốc một chút. Washington đã kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế số 1 thế giới lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc kể từ năm 1976. Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hai lần đưa ra dự đoán như vậy, nhưng mong muốn đó đã sớm bị “phản biện”.

Tiềm năng còn lâu mới cạn kiệt, Kinh tế Trung Quốc bắt kịp Mỹ - xu thế không thể đảo ngược? Trong ảnh: Thượng Hải - Trung tâm Tài chính hàng đầu của Trung Quốc và cũng là điểm đến của đầu tư nước ngoài. (Nguồn: VCG)

Năm nay, người ta lại có lý do để tin, tốc độ tăng trưởng GDP và cả mức tăng thực tế của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ lại vượt Mỹ, tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ để đuổi kịp nền kinh tế đứng thứ nhất thế giới về tổng quy mô kinh tế.

Năm 2023, GDP của Trung Quốc dự kiến tăng khoảng 5%, trong khi Mỹ chỉ dự kiến tăng 0,5%, cho thấy một khoảng cách rất lớn. Hơn nữa, khả năng tăng trưởng vượt kỳ vọng của Trung Quốc không chỉ lớn hơn so với Mỹ và 5% rõ ràng là một con số “đáng gờm”.

Tiềm năng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc được cựu Tổng biên tập của Global Times Hu Xijin nhận định là “đang trong giai đoạn được giải phóng liên tục, còn lâu mới cạn kiệt, chỉ cần đảm bảo động lực phát triển đủ và mạnh".

Hậu dịch Covid-19, với động thái quyết tâm “tái mở cửa” của Bắc Kinh, nhiều người đã lại sớm tin tưởng, tổng quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong khoảng thập niên tới và chỉ cần nền kinh tế khổng lồ này tập trung phát triển tốt bên trong, kết quả sẽ đạt được một cách tự nhiên.

Ông Hu Xijin cho rằng, những người gần đây nói Trung Quốc sẽ mất hy vọng vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế tổng thể, do dân số giảm và sự tách rời với công nghệ là suy nghĩ viển vông. Vị này tin, tình hình cạnh tranh về ý thức hệ cũng sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho quốc gia châu Á. Sáng kiến chiến lược của Bắc Kinh đang và còn tiếp tục có một bước tiến đáng kể và niềm tin xã hội của lực lượng dân đông nhất thế giới cũng sẽ có một bước tiến vượt bậc.

Cựu Tổng biên tập Hu Xijin còn cho rằng, “một khi tổng quy mô kinh tế của Trung Quốc vượt qua Mỹ trong khoảng một thập niên, dù vẫn còn khoảng cách về sức mạnh tổng thể giữa hai nền kinh tế và hơn nữa, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc mới chỉ bằng 1/4 so với Mỹ, nhưng đó sẽ là một điểm bùng phát quan trọng, để từ đó, nhiều thứ sẽ thay đổi theo những cách mà ngày nay chúng ta có thể không tưởng tượng được".

Tại sao là mục tiêu thấp nhất trong hàng chục năm qua?

Mục tiêu tăng trưởng GDP, cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế khác, đã được nêu trong Báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày vào ngày 5/3 tại Kỳ họp thứ nhất của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XIV.

Ông Lý Khắc Cường chia sẻ trong báo cáo công tác chính phủ rằng: "Năm nay, điều cần thiết là ưu tiên ổn định kinh tế và theo đuổi sự phát triển trong khi vẫn đảm bảo ổn định. Các chính sách cần được duy trì nhất quán và có mục tiêu, đồng thời nên được thực hiện theo cách phối hợp hơn để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển chất lượng cao".

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2023. Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh, dù mục tiêu này được cho là thấp nhất trong hàng chục năm qua, nhưng điều đó vẫn có nghĩa Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vì kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm nay và các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn với những nguy cơ suy thoái.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra dù phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ và thách thức từ bên ngoài nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và tốc độ phục hồi đang tăng tốc của nước này, cũng như các công cụ chính sách đầy đủ để ngăn chặn nguy cơ và thách thức đó.

Các quan chức và chuyên gia cho rằng, mục tiêu kinh tế này phản ánh niềm tin của các nhà hoạch định chính sách đối với hiệu quả kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, vì kinh tế nước này đã phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự đoán trong hai tháng sau khi Bắc Kinh tối ưu hóa phản ứng với dịch Covid-19, nhưng nhà chức trách đã xem xét tới các yếu tố bất ngờ tiềm ẩn do tình hình địa chính trị căng thẳng và sự yếu kém của kinh tế toàn cầu.

IMF gần đây đã dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay là 5,2% và tăng trưởng toàn cầu là 2,9%.

Chuyên gia kinh tế Tào Hòa Bình thuộc Đại học Bắc Kinh ủng hộ đánh giá rằng, hiệu quả kinh tế của Trung Quốc rất có thể sẽ vượt mục tiêu của chính phủ do đà tăng trưởng mạnh mẽ của nước này. "GDP của Trung Quốc có thể tăng hơn 6% trong năm 2023 nếu xung đột Nga-Ukraine và chủ nghĩa đơn phương quốc tế không leo thang ở mức độ lớn...

Tuy nhiên, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP chậm hơn một chút so với mức đó để thể hiện sự nhấn mạnh của họ vào phát triển chất lượng cao và theo đuổi một mô hình tăng trưởng bền vững", ông Tào Hòa Bình nhận xét.

Trong hai tháng đầu năm 2023, kinh tế Trung Quốc hoạt động tốt hơn nhiều so với dự kiến trong các lĩnh vực từ du lịch, giải trí đến sản xuất. Dựa trên sự phục hồi nhanh chóng, các tổ chức toàn cầu đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay.

Trong khi đó, khá cùng quan điểm, Chủ tịch Deloitte Trung Quốc Tưởng Dĩnh cũng đánh giá rằng, báo cáo công tác chính phủ cho thấy, do phải đối mặt với sự không chắc chắn ngày càng tăng ở môi trường bên ngoài và sự phục hồi trong nước còn non trẻ vẫn cần được củng cố, Bắc Kinh muốn thực hiện một cách tiếp cận cân bằng và toàn diện giữa các biện pháp dự phòng ngắn hạn và những chiến lược phát triển trung và dài hạn.

"Mục tiêu ở đây là nâng cao hiệu quả về chất lượng và tăng hợp lý về số lượng. Và mục tiêu tăng trưởng 5% có khả năng thành hiện thực cao", Chủ tịch Deloitte chia sẻ.

Xem xét kỹ những mục tiêu kinh tế trong những lĩnh vực cụ thể, các chuyên gia cho rằng, những mục tiêu kinh tế năm nay phản ánh sự chú trọng của chính sách đối với sự ổn định và phát triển chất lượng cao dựa trên những gì họ coi là những điểm nổi bật trong báo cáo công tác chính phủ năm nay.

Tiêu dùng đã được ưu tiên, với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh trong báo cáo công tác chính phủ rằng, Trung Quốc nên ưu tiên phục hồi và mở rộng tiêu dùng. Các biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, chẳng hạn như nâng cao thu nhập của nhóm thu nhập trung bình và thấp, thúc đẩy doanh số bán phương tiện năng lượng mới (NEV) và hỗ trợ phát triển lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi có khả năng giải phóng hoàn toàn sức tiêu dùng của người dân từ cả hai phía cung và cầu.

Báo cáo công tác chính phủ coi việc ngăn ngừa và xoa dịu các nguy cơ kinh tế và tài chính lớn là một trong những ưu tiên chính trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang phát triển xanh sẽ tiếp tục.

Các chỉ tiêu kinh tế khác cũng được đặt ra cao hơn so với năm ngoái. Ví dụ, tỷ lệ thâm hụt trên GDP của Trung Quốc được dự đoán vào khoảng 3% trong năm 2023, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2022, điều cho thấy sự kích thích tài khóa tích cực hơn. Chính phủ nước này cũng đặt mục tiêu cao hơn về việc làm, nhằm tạo ra 12 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm 2023, so với mục tiêu "hơn 11 triệu việc làm" của năm ngoái.

Giới quan sát nhận định, "những điểm nổi bật này chỉ ra một điều là Bắc Kinh đang tập trung nhiều hơn vào phát triển chất lượng cao, thay vì chỉ theo đuổi các mục tiêu về mặt số lượng".

Và quan trọng là, chỉ cần đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%, Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò là động lực kinh tế lớn của thế giới trong năm 2023, vượt qua hầu hết các nền kinh tế khác. Và đóng góp của nước này vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ quay trở lại mức khoảng 30% trong năm nay.