Ảnh minh họa. |
Hội thảo đã cập nhật với các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển về quá trình xây dựng Kế hoạch Hành động theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện cam kết của Chính phủ tại Diễn đàn các Đối tác Phát triển VDPF năm 2013 đồng thời thảo luận về các “nút thắt” quan trọng nhất đang cản trở việc đạt được MDGs ở vùng dân tộc thiểu số và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có thành tựu quan trọng đáng ghi nhận là việc thực hiện MDGs. Ba Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ quan trọng về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói (MDG1), phổ cập giáo dục tiểu học (MDG2), tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ (MDG3). Cụ thể là tỷ lệ nghèo đã giảm một nửa từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002, và còn 9,6% năm 2012. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi cấp tiểu học (NER) đạt 97,7% năm 2012. Bất bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục tiểu học đã được xóa bỏ, bình đẳng giới về việc làm đã có bước tiến rõ rệt. Mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em (MDG4) và tăng cường sức khỏe bà mẹ (MDG4) có khả năng được hoàn thành trước thời hạn năm 2015.
Thứ trưởng Sơn Phước Hoan cho biết, mặc dù đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc thực hiện MDG, vẫn còn có khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm dân tộc thiểu số so với nhóm dân tộc Kinh hay giữa các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống so với các vùng đồng bằng, đô thị. “Nếu không nỗ lực vượt bậc, rất nhiều khả năng Việt Nam sẽ không thể đạt được MDGs cho các vùng và nhóm dân cư đặc biệt khó khăn này”, Thứ trưởng Sơn Phước Hoan nói.
Tại hội thảo, các đại biểu lắng nghe và góp ý kiến nội dung cho bản dự thảo Đề cương Khung Kế hoạch và tiến độ xây dựng Kế hoạch hành động Thúc đẩy thực hiện MDG cho dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Theo Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, Tiến sĩ Pratibha Mehta, đây là công cụ lập kế hoạch bài bản cho phép đặt mục tiêu cụ thể, xác định rõ các nút thắt, hỗ trợ xếp loại ưu tiên về các giải pháp và nguồn lực sẵn có để thực hiện một cách khả thi các mục tiêu đặt ra. Khung Kế hoạch này sẽ giúp Việt Nam tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình và chiến lược quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng trao quyền cho cộng đồng và xác định giải pháp dựa vào nội lực và sức mạnh của cộng đồng. Điều này sẽ góp phần đạt được mục tiêu chính sách “không để cho ai tụt hậu” trong quá trình phát triển, như thông điệp của Ngày Quốc tế chống Xóa đói Giảm nghèo năm 2014.
“Mặc dù Khung Thúc đẩy Tiến độ Thực hiện MDG sẽ giúp đẩy nhanh các mục tiêu chưa đạt được vào năm 2015, cách tiếp cận này sẽ vẫn cần thiết cho việc xác định và thực hiện các mục tiêu phát triển sau năm 2015. Vì lẽ đó, tôi xin được tiếp tục kêu gọi Chính phủ Việt Nam hãy gắn kết và lồng ghép Khung kế hoạch này vào trong quá trình xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 của các ngành và địa phương cũng như hệ thống chính sách giảm nghèo giai đoạn tiếp theo”, Tiến sĩ Mehta nói.
Nguyễn Kim