📞

Thúc đẩy thương mại điện tử gắn với bảo vệ quyền lợi người dùng

21:55 | 16/09/2015
Sáng 16/9, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Chính sách Thương mại điện tử 2015”.
Hội thảo “Chính sách Thương mại điện tử 2015”. (Ảnh: G.L)

Tham dự Hội thảo gồm đại diện từ các đơn vị quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), các công ty tư vấn luật và các tổ chức liên quan khác.

Sau 5 năm triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015, TMĐT Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình trong các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần tích cực cho sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp và đất nước. Nhận thấy tầm quan trọng của Kế hoạch tổng thể trong việc định hướng phát triển TMĐT, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016 - 2020.

Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2014, các doanh nghiệp hiện nay không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, mà còn thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình. Đây là những mô hình hoạt động mới, phức tạp, cần có cơ chế cũng như công cụ quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng góp phần tạo mội trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về các hoạt động TMĐT trên nền tảng thiết bị di động, vì vậy chưa có cơ sở để xác định mô hình hoạt động cụ thể, cũng như chưa xác định được phương hướng quản lý phù hợp đối với các mô hình hoạt động này. Do đó, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Thông tư quy định về Quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng di động nhằm hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT.

Nhận định về xu hướng phát triển TMĐT thế giới đến 2020 trong thời gian tới, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, loại hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C e-commerce) đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng 20%/năm đạt 3.400 tỷ USD, trong đó TMĐT xuyên biên giới (cross-border e-commerce) sẽ chiếm 30% đạt 1.000 tỷ USD.

Đặc biệt, TMĐT trên nền tảng di động (M-commerce) và TMĐT địa phương (Local e-commerce) tiếp tục là xu thế chủ đạo trong những năm tới. Đến 2020, M-commerce chiếm 25% tổng mức bán lẻ trên toàn cầu. Tại Việt Nam con số này có thể sẽ đạt tới mốc 300 triệu USD. Thanh toán điện tử sẽ trở thành công cụ chính hỗ trợ giao dịch điện tử.

Một xu hướng nữa của TMĐT khi hình thức kinh doanh này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, đó là mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận cho TMĐT sẽ trở thành nhân tố cốt lõi trong phát triển bán hàng trực tuyến. Theo khảo sát tại Trung Quốc - một trong những thị trường bán lẻ trực tuyến phát triển nhất thế giới hiện nay, 25% người tiêu dùng trực tuyến không hài lòng về dịch vụ vận chuyển. Do vậy, xu hướng quan trọng trong 5 năm tới là xây dựng một hệ thống vận chuyển chuyên nghiệp cho TMĐT.

Song hành cùng với sự phát triển, theo ông Trần Hữu Linh, hoạt động TMĐT cũng xuất hiện nhiều hành vi gian lận, giả mạo, lừa đảo. Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, hợp đồng mập mờ về giá cả, quảng cáo sai sự thật, chất lượng hàng hóa không bảo đảm, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng… Vì vậy, thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng cũng như hỗ trợ, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong TMĐT.

Giang Ly