📞

Thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi

21:42 | 18/10/2016
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, phát biểu Khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, Ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… và đại diện các nhà tài trợ, đặc biệt là Nhóm 6 Ngân hàng phát triển gồm: WB,  ADB, JICA, AFD, KFD và KEXIM.

Tốc độ giải ngân vốn ODA, vốn ưu đãi còn chậm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng khẳng định đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, có vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững.

Đại diện các nhà tài trợ tham dự Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)
Đại diện các nhà tài trợ tham dự Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi làm việc chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ để thực hiện mục tiêu này, với trọng tâm là thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, đã giúp đẩy nhanh đáng kể tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong tháng 8 và 9.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp cụ thể để tạo chuyển biến thực sự trong tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao đó của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển, trong 9 tháng đầu năm nay Việt Nam đã ký kết 35 hiệp định với tổng giá trị ODA và vốn vay ưu đãi hơn 4,9 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tốc độ giải ngân, Phó Thủ tướng cho rằng tuy đã có chuyển biến nhất định song vẫn chưa có đột phá lớn. Tổng giải ngân trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 2,69 tỷ USD, chỉ bằng 81,4% so với cùng kỳ năm 2015, chưa đạt kỳ vọng chung.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị tại Hội nghị này, các thành viên Ban Chỉ đạo, các nhà tài trợ và các đại biểu Bộ, ngành và địa phương cùng nhau thảo luận, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp khả thi đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Vướng mắc ở cả hai phía

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mức độ giải ngân vốn ODA năm 2016 không đồng đều giữa các Bộ, ngành và địa phương. Một số Bộ, ngành và địa phương giải ngân tương đối cao như Bộ Giao thông - Vận tải, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, nhiều Bộ, ngành và địa phương giải ngân thấp như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Định…

Những dự án đầu tư quy mô lớn có mức giải ngân cao hơn so với kế hoạch giao năm 2016, gồm: Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh (Bến Thành – Suối Tiên), Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội (ADB), Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB), Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Hồ Chí Minh (JICA), Dự án Cải thiện môi trường nước Tp. Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) (JICA), Dự án Thoát nước Tp. Hà Nội giai đoạn 2 (JICA), Dự án Phát triển các đô thị loại vừa (WB),…

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Những dự án đầu tư có mức giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân kế hoạch năm 2016 gồm: Dự án Xây dựng Trường Đại học Việt - Đức, Dự án Nâng cấp Đại học Cần Thơ, Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Tăng cường hệ thống dự báo thời tiét và cảnh báo sớm thuộc dự án Quản lý thiên tai ở Việt Nam (WB), Quản lý Tổng hợp tài nguyên nước Mekong (WB), Tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo lũ lụt ở Việt Nam (Italy), Xây dựng Đại học Dược Hà Nội (Hàn Quốc), Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2, Xử lý chất thải tại Bệnh viện Việt Đức (Đức),…

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng nêu những vướng mắc chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các chương trình, dự án ODA, cụ thể là vướng mắc do giao vốn nước ngoài ở một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện và giải ngân; thiếu vốn đối ứng; các quy định mới về thể chế; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; sự khác biệt về quy trình, thủ tục trong quản lý tài chính và đấu thầu giữa Việt Nam và nhà tài trợ…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với đại diện Nhóm các Ngân hàng Phát triển. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cũng tại Hội nghị, đại diện các Ngân hàng phát triển đã nêu những khó khăn, vướng mắc cũng như đề ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận và sử dụng viện trợ, cải thiện tình hình thực hiện và giải ngân các nguồn vốn quan trọng dành cho Việt Nam. Đại diện các Bộ, ban, ngành cũng đã giải đáp một số vấn đề còn vướng mắc, đồng thời cùng tìm biện khắc phục những vướng mắc liên quan nhằm thúc đẩy hơn nữa tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đã vận động được trên 22 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đòi hỏi những giải pháp căn cơ trong đó nhất thiết phải đề cao trách nhiệm của các chủ dự án, cùng với đó là hiệu quả và khả năng trả nợ.

Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, nhất là cải thiện chất lượng thiết kế dự án để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và giảm thiểu các chi phí do phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc này sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các nhà tài trợ xây dựng và đưa vào vận hành trong năm 2016 cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam và các nhà tài trợ trong công tác xây dựng kế hoạch, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch; trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh bố sung kế hoạch sát với thực tiễn thực hiện các dự án bảo đảm giải ngân vốn nước ngoài hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bên liên quan và các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng phát triển xây dựng và trình Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực các ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ phương án tái cấu trúc nợ công để vừa bảo đảm an toàn nợ công đồng thời đáp ứng tốt chủ trương huy động tối đa nguồn vốn vốn ODA và vốn ưu đãi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng với đó, trong năm 2016, hoàn thiện Dự thảo Nghị định cho địa phương vay lại vốn ODA và vốn ưu đãi theo nguyên tắc việc sử dụng vốn vốn ODA và vốn ưu đãi phù hợp với định hướng và lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành trong năm 2016 hướng dẫn về quy trình giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi theo nhiệm vụ đã được giao trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.

Bộ Xây dựng sớm hoàn tất sửa đổi Nghị định 59 ngày 18/6/2015 về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đơn giải hóa quy trình, thủ tục, tăng cường phân cấp trong công tác phê duyệt dự án và thiết kế chi tiết các dự án đầu tư xây dựng.

Cảm ơn các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt của các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng phát triển đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trên con đường phát triển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các bên tiếp tục nhận diện và giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn ODA và vốn ưu đãi nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này, từ đó góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nói riêng để đạt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra và hỗ trợ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.