📞

Thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang thị trường Australia và New Zealand

Chu An 18:22 | 12/05/2022
Ngày 12/5, Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Long An, cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Thương vụ tại Australia phối hợp tổ chức Hội thảo “Tư vấn xuất khẩu quả thanh long sang thị trường Australia và New Zealand” bằng hình thức trực tuyến.
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây lớn nhất của New Zealand, chuyên gia phát triển giống của Dự án phát triển giống trái cây ăn quả cao cấp do Chính phủ New Zealand tài trợ cho Việt Nam, Hiệp hội rau quả Việt Nam, các địa phương có vùng trồng thanh long lớn và nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thanh long Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand.

Việt Nam mong muốn New Zealand chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc tế, chuỗi giá trị để thương mại hóa toàn cầu cho quả thanh long, theo mô hình thành công của trái kiwi của New Zeland được toàn thế giới biết đến.

Tại Hội thảo, Giám đốc nhập khẩu của các công ty MG Marketing và Healthy n Fresh của New Zealand chia sẻ thông tin về các yêu cầu kiểm dịch, bảo vệ thực vật và an toàn sinh học, các kênh phân phối trái cây tại New Zealand, tình hình tiêu thụ thanh long tại các siêu thị bán buôn, bán lẻ.

Các công ty đều đánh giá cao tiềm năng sản phẩm thanh long của Việt Nam, tuy nhiên nhấn mạnh yếu tố then chốt quyết định sự thành công trên thị trường New Zealand là việc đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, đảo bảo sự ổn định chất lượng giữa các lô hàng, khả năng bảo quản đúng quy cách để kéo dài tuổi thọ sản phẩm trong quá trình vận chuyển đường biển dài ngày.

Công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu chỉ đạt kết quả mong muốn nếu sản phẩm duy trì độ tươi khi tới tay người tiêu dùng.

Các đại biểu tham gia Hội thảo tại đầu cầu tỉnh Long An.

Tiến sĩ Micheal Lay-Yee, chuyên gia New Zealand đã từng trực tiếp tham gia Dự án Hỗ trợ phát triển giống thanh long có sức kháng bệnh tại Việt Nam, phân tích chi tiết và gợi ý các phương pháp cải tiến, hoàn thiện, tối ưu hóa từng công đoạn của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng thanh long, từ khâu chọn giống, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giống, đến thu hoạch, đóng gói, bảo quản để hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành thanh long Việt Nam.

Ông Peter Landon Lane, Giám đốc điều hành VentureFruit, tập đoàn T&G Global-New Zealand cung cấp bức tranh tổng quát về sự thành công của ngành sản xuất, xuất khẩu trái cây của New Zealand dựa trên các yếu tố cốt lõi là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giống mới, đầu tư cải tiến liên tục giống cây trồng, kiểm soát vùng trồng và sản lượng, xây dựng quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm xuất khẩu, đầu tư quảng bá hình ảnh, định dạng thương hiệu và bảo vệ quyền lợi của người trồng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Tư vấn xuất khẩu quả thanh long sang thị trường Australia và New Zealand” bằng hình thức trực tuyến.

Thảo luận cùng các diễn giả và doanh nghiệp, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia và New Zealand chia sẻ tập quán kinh doanh và thói quen tiêu dùng của thị trường khu vực, công tác xúc tiến thương mại quả thanh long trên địa bàn, gợi mở những định hướng phát triển, đa dạng hóa các dòng sản phẩm phái sinh như bột thanh long, thanh long cấp đông, thanh long đông lạnh, thanh long sấy khô và sấy dẻo, nước thanh long để giảm áp lực nguồn cung thời điểm chính vụ.

Đồng thời, các cơ quan khuyến nghị địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quảng bá và thương hiệu ngành tập trung vào đặc tính dinh dưỡng của sản phẩm để nâng cao sự nhận biết của người tiêu dùng và mở rộng đối tượng khách hàng ra ngoài nhóm khách hàng châu Á truyền thống.

Các diễn giả cũng cập nhật thông tin về động thái phát triển ngành thanh long, mở rộng diện tích vùng trồng tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia và New Zealand, việc Australia đang xem xét mở cửa thị trường quả thanh long cho Philippines.

Mặc dù được tổ chức dưới hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, Hội thảo là hoạt động thiết thực với nhiều thông tin thị trường hữu ích đến từ những chuyên gia trực tiếp trong ngành, giúp địa phương, các doanh nghiệp có thêm góc nhìn để định hướng quy hoạch ngành, phát triển chuỗi cung ứng, và tạo lập mô hình thương mại có kiểm soát để ngành thanh long phát triển bền vững, trở thành biểu tượng thành công của ngành xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Việt Nam đã có giấy phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand ba loại quả tươi là xoài (năm 2011), thanh long (2014), chôm chôm (2018)

Việt Nam đã có giấy phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand ba loại quả tươi là xoài (năm 2011), thanh long (2014), chôm chôm (2018), và hiện nay Bộ Các ngành cơ bản của New Zealand (MPI) đang hoàn tất thủ tục để quả chanh xanh và bưởi của Việt Nam có thể sớm có mặt trên thị trường nước này, dự kiến trong năm 2022.

Thanh long là loại quả xuất khẩu thành công nhất vào New Zealand với mức tăng trưởng kim ngạch ấn tượng, năm 2020 đạt gần 678 ngàn NZD, tăng 76% so với năm 2019, và năm 2019 đạt gần 385 ngàn NZD, tăng 57% so với năm 2018. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long vào New Zealand giảm xuống chỉ còn 336 ngàn NZD, chủ yếu do giá cước vận chuyển tăng quá cao và khan hiếm tàu biển.

Từ năm 2013, Chính phủ New Zealand tài trợ cho Việt Nam Dự án hỗ trợ phát triển Giống cây ăn quả cao cấp. Viện Nghiên cứu Cây trồng và Lương thực New Zealand, Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và Phân viện Cơ điện Nông nghiệp sau thu hoạch là các đơn vị triển khai.

Chuyên gia New Zealand của Dự án đã giúp Việt Nam phát triển 3 giống thanh long mới, có vị ngọt đậm hơn các giống thanh long phổ biến trên thị trường, có khả năng kháng bệnh, đạt năng suất cao.

Đồng thời, New Zealand chuyển giao kỹ thuật canh tác, rửa, làm mát sau thu hoạch, kinh nghiệm thương mại hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho giống thanh long mới. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ đào tạo nông dân trồng thanh long, công nhân đóng gói ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

(theo ĐSQ Việt Nam tại New Zealand)